Nhiều sân bay hiện trong tình trạng ế ẩm, phải bù lỗ
Nơi cần kíp thì chậm trễ
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã trình Bộ GTVT kiến nghị tăng phí sử dụng sân bay đối với các chuyến bay nội địa. Theo ACV, hiện nay, phí áp dụng với các chuyến bay nội địa quá thấp so với các chuyến bay quốc tế.
Đặc biệt, hiện ACV đang quản lý, khai thác 22 cụm cảng hàng không trên cả nước, nhưng chỉ có 2 cảng hàng không hoạt động có lãi (Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất). Do đó, ACV cần phải tăng phí để tăng nguồn thu, lấy chi phí để tái đầu tư và bù lỗ cho các sân bay khác. Trong bối cảnh này, ngành hàng không vẫn tiếp tục đề xuất xây mới nhiều sân bay.
Việc xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) được đánh giá là bức thiết vì hiện sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất luôn trong cảnh quá tải từ bầu trời tới mặt đất. Nhưng đến nay, tiến độ dự án này dường như đang chững lại. Một chuyên gia của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam - JICA nhìn nhận, với tiến độ “rùa bò” của sân bay Long Thành hiện nay thì sớm nhất cũng phải đến năm 2025 hoặc 2028 mới có thể đưa vào khai thác giai đoạn 1. Hiện tại, các bên liên quan vẫn loay hoay tổ chức thi tuyển thiết kế cho sân bay này.
Trong lúc dự án sân bay Long Thành còn ngổn ngang, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT tình hình triển khai Cảng hàng không Nà Sản (Sơn La) với tổng mức đầu tư xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Theo đó, cảng hàng không Nà Sản có vị trí tại huyện Mai Sơn (Sơn La), cách Cảng hàng không quốc tế Nội Bài 187km, Cảng hàng không Điện Biên 110km.
Cảng hàng không Nà Sản (cũ) hiện đã đóng cửa từ năm 2004 vì không thể khai thác.Theo phương án được đưa ra, Cảng hàng không Nà Sản sẽ đạt cấp 4C, đảm bảo khai thác tàu bay A321 và tương đương; giai đoạn đến năm 2020, cảng này sẽ đạt 0,9 triệu khách/năm và 1,5 triệu khách/năm giai đoạn đến năm 2030.
Để huy động nguồn vốn xây dựng Cảng hàng không Nà Sản, Cục Hàng không Việt Nam đã tính đến việc sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, phương án sử dụng, huy động nguồn vốn thực hiện gặp khó khăn do dự án không có kế hoạch trong đầu tư trung hạn 2016-2020.
Nhiều sân bay đang ế ẩm
Để có thể triển khai dự án xây dựng Cảng hàng không Nà Sản trong giai đoạn trước năm 2020, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn ngân sách Nhà nước để xây dựng các công trình tại khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay...). Dự kiến, tổng mức đầu tư khoảng 693 tỷ đồng. Đối với các hạng mục công trình thuộc hệ thống điều hành bay (đài kiểm soát không lưu...) và nhà ga hành khách, đường giao thông… có thể giao ACV xây dựng hoặc kêu gọi xã hội hóa.
Cũng mới được đề xuất, dự án xây dựng Cảng hàng không An Giang cũng đã bị đặt vấn đề, liệu có cần thiết xây dựng trong bối cảnh hiện nay. Theo danh mục các dự án ưu tiên đầu tư hàng không giai đoạn 2016-2020 được Bộ GTVT lấy ý kiến các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, dự án sân bay An Giang có tổng vốn đầu tư 3.417 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư), cổ phần.
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng, không nên làm sây bay An Giang ở giai đoạn hiện nay bởi vốn đầu tư quá lớn; khoảng cách địa lý với sân bay quốc tế Cần Thơ, sân bay Rạch Giá và sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) quá gần và nơi đây cũng gần biên giới Campuchia nên cần cân nhắc kỹ.
Hiện nay, rất nhiều sân bay đang trong tình trạng ế ẩm, không khai thác hết công suất như sân bay Cần Thơ, sân bay Cà Mau, sân bay Điện Biên… Thế nên, việc tiếp tục xây dựng thêm sân bay trong bối cảnh ngân sách khó khăn là một sự lãng phí. Trong khi hiệu quả hoạt động tổng thể của hệ thống sân bay đến đâu chưa được đánh giá, tổng kết cụ thể, thì tư duy “tỉnh nào cũng muốn có sân bay để phục vụ phát triển kinh tế xã hội” chẳng khác nào “có sân bay để cho sang” và cần phải được dỡ bỏ.