Tiêm nhầm vaccine cho 31 thai phụ:

Sai sót trong tiêm chủng bao giờ mới hết?

ANTĐ - Cuối tuần qua, dư luận lại một phen “chết đứng” khi vụ việc Trạm y tế xã Tương Giang (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) tiêm nhầm vaccine cho 31 thai phụ được công bố. Tuy chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng, song người dân rất muốn biết, đến bao giờ những sai sót kiểu này được khắc phục triệt để?

Sai sót trong tiêm chủng bao giờ mới hết? ảnh 12 lọ vaccine bị tiêm nhầm (Ảnh internet)

Sức khỏe 31 thai phụ vẫn ổn định

Như ANTĐ đã đưa tin, ngày 20-12, thay vì tiêm vaccine AT (ngừa uốn ván) cho phụ nữ có thai, cán bộ y tế của Trạm Y tế Tương Giang đã tiêm vaccine DPT (Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván) cho 31 trường hợp. Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia đầu ngành để tìm giải pháp khắc phục.

Một tổ công tác đã trực tiếp tới kiểm tra sức khỏe, tư vấn cho các thai phụ và gia đình, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn y tế địa phương tiếp tục theo dõi tình trạng của các phụ nữ này. Hiện tại, sức khỏe toàn bộ 31 thai phụ và thai nhi vẫn ổn định, không có dấu hiệu bất thường. Tại buổi trao đổi với báo chí về vụ việc này chiều 27-12, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và PGS.TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định, việc tiêm vaccine DPT không ảnh hưởng đến bà mẹ và thai nhi vì đây là vaccine bất hoạt, không gây dị dạng cho thai nhi. Theo các chuyên gia này, phản ứng nếu có xảy ra đối với những bà mẹ bị tiêm nhầm là một số phản ứng tại chỗ như sưng, nóng đỏ, đau. Ngoài ra, thành phần uốn ván trong vaccine DPT vẫn có tác dụng phòng bệnh uốn ván cho phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh như sử dụng vaccine AT.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Masaya Kato - chuyên gia của WHO - cũng thống nhất với các ý kiến của chuyên gia Bộ Y tế và cho biết thêm, đến nay, trên thế giới không ghi nhận số liệu nào báo cáo về phản ứng và ảnh hưởng của vaccine DPT cho phụ nữ có thai và thai nhi. Hiện tại, WHO cũng đang xem xét khuyến cáo các quốc gia triển khai tiêm vaccine này cho phụ nữ đang mang thai từ 3 tháng trở lên. Nhiều nước ở châu Âu và Hoa Kỳ đã thực hiện theo khuyến cáo này. 

Lỗi do một nhân viên y tế tắc trách

Nói rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến sai sót nghiêm trọng nói trên, ông Nguyễn Hạnh Chung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết, cán bộ tiêm chủng đã không tuân thủ đúng quy trình tiêm chủng. "Hôm đó, cán bộ tiêm chủng chính của Trạm Y tế xã Tương Giang có việc gia đình xin nghỉ nên Phó trưởng Trạm đã tiêm thay. Cán bộ này trực tiếp đến tủ lấy vaccine nhưng chỉ để ý đến chữ “uốn ván” và không quan sát kỹ. Sau khi tiêm cho 31 thai phụ, cán bộ này cũng không phát hiện, chỉ đến khi cán bộ tiêm chủng thu dọn bàn tiêm thì mới phát hiện sai sót" - Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh cho biết. Hiện tại, Sở Y tế Bắc Ninh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế thị xã Từ Sơn tạm thời đình chỉ công tác với y sỹ Nguyễn Quyết Thắng (Phó trưởng Trạm Y tế Tương Giang) để kiểm điểm, xem xét hình thức xử lý kỷ luật.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển cho rằng: "Tinh thần trách nhiệm của cán bộ tiêm chủng quá thấp, lơ đãng, chủ quan, không tập trung". Theo quy trình, trước khi tiêm, cán bộ y tế phải đối chiếu tên mẹ, tên con, tên vaccine, liều lượng, đường tiêm... GS Nguyễn Trần Hiển nhấn mạnh, đây là sự cố rất đáng tiếc, không thể chấp nhận được, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân vào ngành y tế nói chung và công tác tiêm chủng nói riêng, do đó cần phải xử lý nghiêm. 

Đây không phải là sự cố tiêm nhầm vaccine đầu tiên. Trong hơn 1 năm trở lại đây, trên cả nước đã xảy ra ít nhất 2 vụ việc tương tự, thậm chí hậu quả gây ra còn nghiêm trọng hơn. Tại một trạm y tế ở TP.HCM, đầu năm nay, cán bộ y tế đã tiêm nhầm cho người dân vaccine phòng bệnh sởi bằng vaccine... Quinvaxem. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho rằng, sự việc tại Trạm Y tế Tương Giang là do một cá nhân tắc trách, gây ảnh hưởng lớn đến toàn ngành. Sự việc này cũng cho thấy vẫn còn những lỗi, thiếu sót tại hệ thống y tế cơ sở. Trong đó, không thể phủ nhận năng lực giám sát tiêm chủng còn chưa đầy đủ. Do đó, lỗ hổng này cần nhanh chóng khắc phục và thực hiện chặt chẽ hơn nếu không muốn tiếp tục xảy ra những vụ việc tương tự. 

Mỗi năm có 1,6 triệu thai phụ được tiêm vaccine 
uốn ván an toàn
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, uốn ván là bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm do trực khuẩn uốn ván gây ra. Tiêm vaccine uốn ván là biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để phòng bệnh uốn ván sơ sinh cho cả mẹ và con. Hiện tại, ước tính hàng năm ở nước ta khoảng 1,6 triệu phụ nữ có thai được tiêm chủng an toàn, trong đó tỷ lệ tiêm vaccine uốn ván cho phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ luôn đạt trên 80% trong nhiều năm liên tục. Nhờ đó, hiện nay số ca mắc uốn ván sơ sinh và mắc uốn ván của bà mẹ đã giảm vài chục lần so với giai đoạn trước năm 1991. Tuy vậy, để duy trì được thành quả này thì trong thời gian tới, các chiến lược loại trừ uốn ván sơ sinh phải tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, đặc biệt là chiến lược tiêm vaccine uốn ván cho phụ nữ có thai trên toàn quốc và tiêm cho phụ nữ tuổi sinh đẻ ở những vùng nguy cơ cao. 
Duy Tiến