Sai phạm vụ Vinalines bị lật tẩy từ đâu?

ANTĐ - Thông tin mới nhất về kết quả điều tra bước đầu vụ án đặc biệt nghiệm trọng này được Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực- Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công bố sáng nay, 22- 5.
Sai phạm vụ Vinalines bị lật tẩy từ đâu? ảnh 1
1 ngày sau khi có quyết định khởi tố bị can, CQĐT đã ra lệnh truy nã ông Dũng


Manh mối ụ nổi 83M

Khoảng tháng 1- 2012, qua công tác trinh sát, Cục CSĐT tội phạm tham nhũng Bộ Công an nắm được và tổ chức xác minh dấu hiệu sai phạm trong quá trình sửa chữa ụ nổi 83M thuộc dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam.

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định ông Trần Hải Sơn- Tổng giám đốc; ông Trần Văn Quang- Trưởng phòng Kế hoạch, cùng một số cán bộ liên quan thuộc công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines đã thông đồng với Trần Bá Hùng- cán bộ Huyndai Vinashin và Phạm Bá Giáp- Giám đốc công ty Nguyên Ân (Nha Trang), sử dụng pháp nhân của công ty Nguyên Ân thực hiện hành vi lập khống 2 bộ hồ sơ hợp đồng, chứng từ quyết toán khống khối lượng sửa chữa phần đáy ụ nổi và gửi giá 10.000 đồng/ kg thép hàn vào hợp đồng để chiếm đoạt tiền của Vinalines.

Tháng 2- 2012, CQĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Tham ô tài sản”, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với các bị can Trần Hải Sơn, Trần Bá Hùng và Phạm Bá Giáp. “Số bị can này đã khai nhận hành vi phạm tội và đến nay đã tự giác nộp lại hơn 1,2 tỷ đồng. CQĐT cũng đã trưng cầu giám định, xác định hành vi của các bị can đã gây thiệt hại khoảng 2,9 tỷ đồng”, Đại tá Trần Duy Thanh- Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm tham nhũng cho biết.

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực chủ trì buổi họp báo

Cầm đèn chạy trước ô tô

Vụ án “Tham ô tài sản” liên quan đến ụ nổi 83M bị “phát lộ” trước. Song trước nữa, để ụ nổi này về được Việt Nam, nó đã trải qua những tính toán, ý đồ vụ lợi của nhóm cá nhân gồm các ông Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều.

Ngày 27- 6- 2007, ông Dương Chí Dũng, khi đó là chủ tịch HĐQT Vinalines ký quyết định số 687 phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, trong đó có hạng mục mua, lắp đặt 1 ụ nổi. Ngày 17- 7- 2008, ông Mai Văn Phúc- Tổng giám đốc ký văn bản số 988 trình và được ông Dũng ký quyết định phê duyệt chính thức, với tổng mức đầu tư gần 6.500 tỷ đồng.

Quyết định đầu tư được ông Dũng ký ngày 3- 10- 2008, nhưng trước đó 1 năm, ngày 1- 10- 2007, ông Trần Hữu Chiều- Phó Tổng giám đốc, Trưởng BQL dự án đã ký văn bản đề nghị, sau đó được ông Phúc ký văn bản trình và được ông Dũng ký quyết định phê duyệt mua ụ nổi sản xuất năm 1965 (42 tuổi), sức nâng 25.000 tấn với tổng mức đầu tư 14,136 triệu USD.

Tuy nhiên, ngày 14-2- 2008, ông Chiều lại có tờ trình, rồi ông Phúc ký văn bản và được ông Dũng ký quyết định phê duyệt điều chỉnh thay đổi phương án mua dẫn đến chi phí thực tế cho việc mua, vận chuyển ụ nổi 83M về Việt Nam sửa chữa hết tổng chi phí 24,3 triệu USD. Từ lúc ông Chiều làm tờ trình đến khi ông Dũng ký quyết định điều chỉnh phương án mua ụ nổi, diễn ra trong đúng…1 ngày. Và kết quả là ụ nổi 83M hiện không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm tại Việt Nam.

Đại tá Trần Duy Thanh thông báo kết quả điều tra
bước đầu vụ Vinalines

Theo lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, quá trình điều tra thương vụ mua ụ nổi 83M, cơ quan công an đã nhiều lần triệu tập các ông Dũng, Phúc, Chiều đến làm việc. Các cá nhân này đã thừa nhận hành vi sai phạm. Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, ngày 17- 5, CQĐT đã ra quyết định khởi tố bổ sung quyết định khởi tố vụ án ngày 1-2- 2012 (tội “Tham ô tài sản), thêm tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; đồng thời ra quyết định khởi tố, ra lệnh bắt, khám xét đối với các ông Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và Trần Hữu Chiều.

Ngày 18- 5, Đại tá Trần Duy Thanh- Phó thủ trưởng CQĐT Bộ Công an đã ký quyết định truy nã đặc biệt toàn quốc đối với bị can Dương Chí Dũng; tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. Trao đổi với PV, Đại tá Trần Duy Thanh khẳng định: CQĐT đang xác minh thông tin bị can Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài. Nếu thông tin đúng, CQĐT sẽ phối hợp với Văn phòng Interpol Việt Nam để phát lệnh truy nã quốc tế đối với bị can Dũng.