Sách lậu lại hoành hành
(ANTĐ) - Sản xuất và kinh doanh sách lậu không phải là hiện tượng mới, song hoạt động này trong khoảng 2 tháng trở lại đây đang bộc lộ những lo ngại; đó là quy trình khép kín giữa nhà sách, đầu nậu và các cơ sở đóng xén, in ấn tư nhân.
Lực lượng chức năng thu giữ phương tiện vụ in ấn sách lậu |
1 tháng phát hiện gần chục tấn sách lậu
Đó thực sự là kết quả “kỷ lục” mà các cơ quan chức năng đạt được trong 1 tháng (tháng 6-2010). “Thời sự” nhất là vụ kiểm tra của liên ngành Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông TP Hà Nội và Phòng Bảo vệ An ninh văn hóa - CATP Hà Nội, đối với xưởng in của Công ty CP In Sao Việt, đường Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Tại thời điểm đoàn kiểm tra có mặt, 3 máy in hiện đại công suất lớn, 2 máy khâu, 2 máy gấp, 1 máy dán keo… và khoảng 30 công nhân đang làm việc hết công suất. Gần 3 tấn ấn phẩm lậu đã được in đang chuẩn bị đóng xén đã bị lập biên bản tạm giữ, bởi Công ty Sao Việt không xuất trình được một loại giấy tờ nào về các ấn phẩm trên.
Quy mô lớn như vậy, song so với đường dây sản xuất, kinh doanh sách lậu liên quan đến nhà sách Minh Thắng (đường Láng), thì Công ty Sao Việt có lẽ chưa thấm vào đâu. Cuối tháng 6 vừa qua, Đội QLTT số 1 - Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp cùng tổ công tác Đội Kinh tế thương mại - Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV, CATP Hà Nội mới bóc gỡ được đường dây in ấn tinh vi này. Nhà sách Minh Thắng chỉ là 1 trong 5 địa điểm bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện.
Đi theo nó là 2 điểm gia công đóng xén tại quận Hoàng Mai; 1 xưởng in ở đường Trương Định… Tài liệu trinh sát thu thập được cho thấy, đây là dây chuyền sản xuất sách “chui”. Sách được chia nhỏ các khâu đóng xén, in ấn ở nhiều địa điểm nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Sau khi in, các bản phôi được mang đến cơ sở tại Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai cắt xén, rồi chuyển đến cơ sở ở phường Tân Mai đóng ghim, sau đó lại chuyển về Giáp Nhị đóng bìa. Cuối cùng, sách được chuyển đến nhà sách Minh Thắng để tiêu thụ.
Ngoài ra là vụ việc tại Công ty CP Phát hành sách và thiết bị trường học Việt Nam, địa chỉ tại ngõ 814 đường Láng, quận Đống Đa. “Ổ” sách lậu này bị Cục An ninh Thông tin, Truyền thông - Tổng cục An ninh II, Bộ Công an phối hợp với đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương gồm Cục Xuất bản, Thanh tra Bộ Thông tin-Truyền thông, Cục Cảnh sát QLHC - Bộ Công an, phát hiện. Lưu trữ trong kho hàng tới 2 tấn bìa sách thành phẩm, gần 1 tấn bán thành phẩm ruột sách tiếng Anh và nhiều bản can, bản kẽm, sách mẫu, bản thảo về sách giáo dục, nhưng thời điểm bị kiểm tra, Công ty CP Phát hành sách và thiết bị trường học Việt Nam không xuất trình được giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, hợp đồng in và giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC theo quy định. Ngoài ra chưa kể khoảng 50 tấn giấy trắng phục vụ việc in cũng chưa xuất trình được giấy tờ hợp lệ…
Không nghiêm khó hết… “nhờn”
Trong số 3 vụ sản xuất, kinh doanh sách lậu bị phát hiện nêu trên, mới chỉ có 1 vụ - 2 đối tượng bị CQĐT khởi tố về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Đó là 2 anh em ruột, 2 vị Phó Giám đốc Công ty CP Phát hành sách và thiết bị trường học Việt Nam, Đỗ Đức Thọ và Đỗ Đức Thanh. Việc bắt giam 2 bị can này căn cứ trên lời khai của họ, là đã tự ý in các loại sách nhưng không có giấy phép và hợp đồng in ấn.
Tìm hiểu các quy định pháp luật, có thể nhận thấy chế tài trong lĩnh vực này đang rất thiếu lại rất yếu. Để xử lý sách lậu, cơ quan chức năng đang áp dụng NĐ số 56/2006/NĐ-CP “về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - thông tin”. Theo văn bản này, hành vi “tàng trữ trái phép xuất bản phẩm in sao lậu” sẽ bị tịch thu tang vật và tùy theo số lượng ấn bản vi phạm, sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 15 triệu đồng. Riêng hành vi “in, nhân bản xuất bản phẩm không đủ thủ tục hoặc không có hợp đồng theo quy định” (thực chất là in lậu) sẽ bị tịch thu tang vật - phương tiện vi phạm và bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng. NĐ 56 không quy định xử phạt hành chính hành vi đóng xén sách lậu và bán sách lậu.
Hay như đối với hành vi tái phạm bị phát hiện, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mức phạt quy định tại NĐ 56 như hiện nay chưa đủ khiến những kẻ làm sách lậu chùn tay. “Vì sao không xử lý hành vi in sách lậu theo tội sản xuất hàng giả đã được quy định trong Bộ luật Hình sự?”, câu hỏi được chúng tôi đặt ra với một cán bộ có trách nhiệm của CATP Hà Nội. Và câu trả lời được đưa ra, là trên phương diện pháp luật chỉ có khung xử phạt đối với những người trực tiếp, chủ mưu làm sách lậu. Còn những người làm gián tiếp thì chỉ dừng ở mức độ phạt hành chính. Vì vậy, họ sẵn sàng… chịu phạt nếu bị bắt quả tang, bởi lợi nhuận từ việc làm sách lậu quá cao.
“Nhiều năm chống in lậu, chúng tôi thật sự mệt mỏi và từng có ý nghĩ sẽ… thôi không chống in lậu nữa. Thà cố gắng đầu tư làm sách mới, còn hơn cứ chăm chăm vào việc chống, tìm ”, đại diện một nhà xuất bản ngao ngán nói như vậy trước thực trạng sách lậu đang ngày càng hoành hành, thách thức pháp luật.
Hà Minh