Người tiêu dùng cần chọn đồ chơi thật để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển lành mạnh của các con |
Chị Nguyễn Thu Phương (Hai Bà Trưng- Hà Nội) cho biết: “Rất khó để phân biệt sách giả hay đồ chơi giả, vì sách giả hay thật vẫn có nội dung, đồ chơi vẫn chơi đáp ứng được nhu cầu của trẻ nhỏ. Để đảm bảo quyền lợi thì người tiêu dùng cần biết được sản phẩm thật- giả cũng như tác hại của việc sử dụng sản phẩm giả”.
Cùng quan điểm này, chị Trần Mai Thanh (Hà Đông- Hà Nội) cũng cho hay: “Tôi thường đưa con đi nhà sách mua sách và đồ chơi, đồ dùng cần thiết, cũng không từng nghĩ tới sách hay đồ chơi giả- thật ra sao. Cũng có lúc mua ở cửa hàng tạp hóa gần nhà hay ở ngay khu vui chơi nào đó, miễn là phù hợp với nhu cầu của con. Bây giờ tôi mới biết sách giả, đồ chơi giả rất có hại cho các con”.
Trên thực tế, sách và đồ chơi giả không chỉ khó phân biệt, mà nhiều bậc phụ huynh còn chưa quan tâm đúng mức đến sự khác nhau giữa sản phẩm thật và giả để lựa chọn. Đây là một trong những lý do khiến các xuất bản phẩm, đồ chơi cho trẻ em giả vẫn tràn lan trên thị trường.
Ông Đỗ Việt Tùng- Trưởng Ban đối ngoại của Tập đoàn Lego tại Việt Nam cho biết, ngoài thị trường có rất nhiều sản phẩm đồ chơi lego giả. Sản phẩm giả thường được bán với giá 200.000 đồng đến hơn 300.000 đồng/bộ, trong khi lego thật chính hãng thì giá dao động từ 700.000-800.000 đồng/bộ nhỏ cho đến vài triệu đồng 1 bộ to, nhiều chi tiết.
“Hàng giả, hàng nhái rất khó kiểm soát, đặc biệt là sản phẩm được bán qua mạng Internet. Các đối tượng thường dùng mẫu lego thật để quảng cáo, bán hàng nhưng khi giao thì lại là hàng giả. Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với các sàn thương mại điện tử để đề nghị xử lý, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, đóng gian hàng nhưng không xuể”- ông Đỗ Việt Tùng nói.
Sách giáo khoa bị làm giả, nội dung có thể không chính xác |
Theo đại diện của Lego Việt Nam, lego là sản phẩm phải đăng ký sở hữu trí tuệ, mà mỗi năm hãng ra mắt hàng nghìn sản phẩm nên việc đăng ký rất cồng kềnh. Hãng đang làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) trong quản lý tác quyền.
Đối với sách và xuất bản phẩm giả, tại Việt Nam hiện nay, vấn nạn sản xuất, buôn bán xuất bản phẩm giả sách giáo khoa, sách tham khảo... cũng gây ảnh hưởng lớn đến các nhà xuất bản cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của giáo viên, tác giả, đơn vị xuất bản, đối tác liên kết, triệt tiêu sự sáng tạo và làm thất thu ngân sách nhà nước.
Sản phẩm thật và sản phẩm giả khác nhau rõ rệt, người tiêu dùng cần phân biệt rõ để tránh mua phải hàng giả |
Xuất bản phẩm giả sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh, bởi, xuất bản phẩm giáo dục giả có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung (đường nét biên giới, vấn đề biển đảo trên bản đồ), kiến thức tiếp nhận của học sinh.
Bên cạnh đó, xuất bản phẩm giáo dục giả có chất lượng giấy in thấp, in bị mờ không đảm bảo quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất của học sinh, nhất là về thị lực. Sử dụng xuất bản phẩm giáo dục giả, học sinh sẽ không thể truy cập và sử dụng online được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ cho học sinh.
Ông Nguyễn Chí Bính- Phó Tổng giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục cho hay, vấn nạn sách giả, sách giáo khoa giả đang diễn biến phức tạp hơn giai đoạn trước. Nhà xuất bản đã phối hợp với lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát các nhà in trên nhưng thực tế, thủ đoạn làm giả xuất bản phẩm ngày càng tinh vi hơn, khó nhận diện. Công nghệ in, scan phát triển nên sách giả ngày càng giống thật, giá lại rẻ hơn nên nhiều người chọn mua.
“Nhà xuất bản Giáo dục có hệ thống cửa hàng ở khắp các tỉnh, thành phố nên học sinh, cha mẹ học sinh và thầy cô nên đến các điểm bán chính thống để mua”- ông Nguyễn Chí Bính nói.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, hệ quả của in lậu sách ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho tác giả, cho các nhà xuất bản, đối tác liên kết, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
"Do đó, việc loại trừ các hành vi in, phát hành xuất bản phẩm lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền các địa phương, của các nhà xuất bản mà cần có sự góp sức và chung tay của toàn xã hội" - Tổng Cục trưởng nhấn mạnh.
Tổng cục QLTT mở cửa phòng trưng bày “Tuần lễ nhận diện sách giáo dục và đồ chơi an toàn cho trẻ em” từ ngày 30-5 đến hết ngày 4-6-2023 tại 62 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Các sản phẩm được trưng bày lần này chủ yếu là sách và đồ chơi trẻ em. Theo đó, phòng trưng bày được chia thành 2 khu vực. Tại khu vực số 1 sẽ trưng bày các sản phẩm gồm: sách giáo khoa, sách bài tập, sách bổ trợ từ lớp 1 đến lớp 12; một số thiết bị giáo dục như: quả địa cầu, bộ thí nghiệm…
Khu vực số 2, trưng bày chủ yếu các sản phẩm đồ chơi trẻ em thương hiệu LEGO. Mỗi sản phẩm trưng bày đều có đối chứng thật - giả để giúp người tiêu dùng dễ dàng so sánh, nhận diện nhằm trang bị thêm kiến thức cho bản thân khi mua sắm, tránh mua phải những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không an toàn cho sức khỏe người sử dụng.