- Công an trao trả tài sản cho du khách đánh rơi khi đến cổ vũ SEA Games 31
- Những khoảnh khắc để đời khi tuyển nữ Việt Nam vô địch SEA Games 31
Niềm tự hào vẫn còn nguyên vẹn
Còn nhớ cách đây 19 năm, lần đầu tiên Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 22) được tổ chức tại Việt Nam. Thời điểm đó, cơ sở hạ tầng còn yếu, so với các nước trong khu vực thì thể thao Việt Nam cũng còn nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, đó là một kỳ Đại hội thành công, nâng tầm vị thế Việt Nam trong khu vực. “Nắng phương Đông, chiếu sáng SEA Games, Việt Nam hân hoan chào đón…” - những câu hát trong ca khúc chính của SEA Games 22 năm 2003 có lẽ đến giờ vẫn nhiều người thuộc. Và trong niềm hân hoan ấy có cả là sự tự hào của những chiến sĩ Công an Thủ đô nói chung, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) nói riêng. Bởi họ là những người đi cùng hành trình chinh phục tấm huy chương của các vận động viên, huấn luyện viên. Những cảm xúc ấy có lẽ sẽ còn in đậm trong tâm trí của mỗi cán bộ chiến sĩ lúc bấy giờ.
Cảnh sát giao thông dẫn đoàn thể thao các nước từ sân bay Nội Bài về Hà Nội tham dự SEA Games 31 |
Sau 19 năm, SEA Games 31 lại được tổ chức ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Một trong số những chiến sĩ may mắn được phục vụ 2 kỳ SEA Games là Trung tá Nguyễn Văn Hải - Đội trưởng Đội Tuần tra dẫn đoàn, Phòng CSGT (CATP Hà Nội). Trung tá Nguyễn Văn Hải chia sẻ: “Lúc đó tôi mới về phục vụ trong lực lượng CSGT được 2 năm và được giao nhiệm vụ cùng đồng đội dẫn đoàn Đội tuyển bóng đá Thái Lan. Thời điểm SEA Games 22, đội Thái Lan đang đứng số 1 khu vực nên được dẫn đoàn là chúng tôi vui lắm…”. Hồi ấy, mỗi khi diễn ra trận đấu giữa đội tuyển Thái Lan và đội tuyển chủ nhà Việt Nam, người hâm mộ đổ ra đường cổ vũ rất đông nên quá trình dẫn đoàn, mỗi CBCS đều có chung một cảm xúc là hân hoan, tự hào vì được tham gia bảo vệ kỳ đại hội thể thao lớn nhất khu vực. Giờ đây, dù Trung tá Nguyễn Văn Hải đã ở một cương vị khác, là chỉ huy của Đội tuần tra dẫn đoàn CATP Hà Nội phục vụ SEA Games 31, nhưng anh cho biết, cảm xúc tự hào, vui sướng ấy vẫn còn nguyên vẹn.
Vượt nắng, thắng mưa
Đại tá Dương Đức Hải - Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội thông tin, lực lượng CSGT tuần tra dẫn đoàn có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị có liên quan trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân đảm bảo công tác đón, dẫn tuyệt đối an toàn cho hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, các vận động viên, huấn luyện viên 11 quốc gia tham dự SEA Games 31 tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Để đảm bảo yêu cầu trên, Bộ Công an, CATP Hà Nội, Phòng CSGT đã có những chỉ đạo, xây dựng phương án cụ thể, chi tiết để kỳ đại hội lần này diễn ra an toàn, để lại hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Đơn vị đã huy động 100% cán bộ chiến sĩ ứng trực 24/24h. Riêng với lực lượng tuần tra dẫn đoàn đã được tăng cường 200 cán bộ chiến sĩ, trong đó có tới 40 cán bộ chiến sĩ nữ.
Theo đại diện Phòng CSGT, việc huy động cả cán bộ chiến sĩ nữ một phần là để đảm bảo quân số phục vụ Đại hội, một phần khác để tạo “màu sắc riêng” cho kỳ SEA Games lần này, mang lại một ấn tượng tốt đẹp cho các đoàn thể thao đến tham dự. Nhiệm vụ cụ thể được đặt ra cho lực lượng tuần tra dẫn đoàn là phải đón, tiễn các đoàn thể thao tham dự SEA Games 31 từ sân bay Nội Bài về nơi lưu trú và từ nơi lưu trú (gồm 18 cụm khách sạn) đến 16 địa điểm thi đấu được an toàn, đúng giờ; phối hợp với các tổ CSGT cắm chốt trên các tuyến, các nút giao thông trọng điểm, không để xảy ra bất cứ sự cố giao thông nào trong quá trình di chuyển. “Như hôm diễn ra khai mạc SEA Games 31 tại sận vận động Mỹ Đình, thời điểm dẫn các đoàn đến tham dự buổi lễ thì trời mưa to, thậm chí trước đó có cả sét, lại đúng vào giờ tan tầm của người dân, mật độ phương tiện đi lại rất đông. Do vậy, chúng tôi cũng đã động viên CBCS nỗ lực, “vượt nắng, thắng mưa”, phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng khác để buổi lễ diễn ra được suôn sẻ, thành công tốt đẹp” - Trung tá Nguyễn Văn Hải thông tin thêm.
Tất cả vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
SEA Games 31 diễn ra vào thời điểm giao mùa nên cũng ảnh hưởng ít nhiều tới sức khỏe của CBCS làm nhiệm vụ tuần tra dẫn đoàn nói riêng và các lực lượng tham gia bảo vệ Đại hội nói chung. Không chỉ thế, thời gian thi đấu của các bộ môn có khi kéo dài từ 8h tới 21h, chính vì vậy lịch sinh hoạt của các CBCS cũng phải thay đổi. “Nhưng vất vả nhất phải kể đến các CBCS nữ. Chúng tôi có 40 đồng chí nữ tham gia và tới 98% trong số đó đã có gia đình, có con nhỏ. Họ đã phải gác lại tất cả việc nhà để hoàn thành nhiệm vụ” - Đại tá Dương Đức Hải cho biết.
Đại úy Dương Thị Lệ Hằng là 1 trong số 40 nữ chiến sĩ CSGT tham gia dẫn đoàn phục vụ SEA Games 31. Chia sẻ về những khó khăn, vất vả, chị cười bảo: “Ở đây chị em chúng tôi đều vất vả như nhau. Tất cả đều có chồng phục vụ trong CATP Hà Nội, do vậy kỳ SEA Games này, nhà nào cũng phải tham gia “chiến đấu”. Bố mẹ “chiến đấu” trên mặt trận bảo vệ an ninh, an toàn cho các đoàn thể thao, các đại biểu tham dự, còn con cái thì tự “chiến đấu” với những bữa cơm, những giờ học, những buổi anh đón em khi vắng bố mẹ. Cũng thiệt thòi đấy, nhưng là con công an nên các cháu cũng… quen rồi”.
Đại úy Dương Thị Lệ Hằng chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ dẫn đoàn phục vụ SEA Games 31 |
Chồng đi trực, bản thân đi dẫn đoàn, ngày nào Đại úy Dương Thị Lệ Hằng cũng phải dậy từ 4h sáng để chuẩn bị cơm nước cho các con rồi rời nhà đi thực hiện nhiệm vụ. Có khi bố mẹ rời nhà lúc con chưa dậy, trở về khi các con đã ngủ rồi, nên anh chị cũng không có thời gian ngó ngàng đến việc học hành của lũ trẻ. “Cháu thứ hai có hôm hỏi mẹ, sao bạn bè con có bố mẹ đưa đi học mà con ngày nào cũng chỉ có anh Huy?” - lúc ấy thực sự tôi cũng rất xót ruột, nhưng đã đứng trong hàng ngũ Công an nhân dân thì phải nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Đó còn là niềm tự hào của những người chiến sĩ” - Đại úy Dương Thị Lệ Hằng nói.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”, và những cán bộ chiến sĩ làm công tác dẫn đoàn chính là những “sắc nắng” bình yên, tươi đẹp trên mọi cung đường chinh phục đỉnh cao của SEA Games 31, để lại một dấu ấn tuyệt vời với bạn bè khu vực và quốc tế.