Rút ngắn chương trình phổ thông xuống 10-11 năm là bước đột phá cải cách giáo dục

ANTD.VN - Nhà giáo nhân dân Lê Đình Trung, cố vấn giáo dục của Bigschool cho rằng việc rút ngắn xuống 10 – 11 năm học phổ thông là vấn đề xã hội rất cần. Nếu làm được sẽ là một đột phá chương trình trong lần cải cách này.

Chỉ còn 10 ngày nữa dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ kết thúc giai đoạn lấy kiến đóng góp. Hiện các giáo viên, chuyên gia giáo dục đang bàn rất nhiều tới dự thảo này với mong muốn cao hơn đối với đợt cải cách giáo dục lần này.

Có sự tiếp cận mới theo xu thế toàn cầu hoá

NGDND Lê Đình Trung đánh giá, những ưu việt của dự thảo chương trình tổng thể hiện nay so với chương trình trước đây là được xây dựng trên quan điểm đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục phổ thông Việt Nam nhằm đảm bảo sự phát triển phẩm chất năng lực người học thông qua nội dung giáo dục.

Chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp cận xu hướng hội nhập

Chương trình giáo dục lần này cũng xây dựng định hướng cụ thể cho các bậc học: tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, theo định hướng qua 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp chi tiết đối với từng môn học bắt buộc và môn học tự chọn.

Cơ sở xây dựng các môn học cụ thể xuất phát từ các phẩm chất, các năng lực để xác định các nội dung môn học cụ thể, từ đó mỗi môn học xây dựng chi tiết đều phải bám vào các năng lực đã được trình bày trong chương trình tổng thể.

Ý đồ của biên soạn chương trình tổng thể là dựa trên hệ thống năng lực và phẩm chất cần được giáo dục ở thế kỷ 21, có tham khảo chương trình của các nước có nền giáo dục tiên tiến nên đã tập trung nội dung tích hợp sâu ở các lớp dưới (tiểu học, trung học cơ sở) và phân hoá sâu ở bậc trung học phổ thông (thể hiện ở lớp 11 và lớp 12).

Chương trình tổng thể nhìn chung có sự tiếp cận mới có sự kì vọng cao trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá, chương trình tổng thể được xây dựng dựa trên yêu cầu phát triển nhân cách và năng lực của người học trong thời đại mới, thời đại công nghiệp 4.0. So với chương trình dự thảo năm 2015, hiện tại chương trình tổng thể có sự thay đổi đó là ở THPT xây dựng theo hướng phân hoá sâu, không còn tích hợp của các hệ thống môn học.

Chưa có đột phá về kết cấu giờ học

Tuy nhiên, để hoàn thiện chương trình tổng thể, NGND Lê Đình Trung cho rằng số tiết 1 ngày, số tiết 1 tuần, số tiết 1 năm, số tuần học không có sự thay đổi nhiều. Như vậy về mặt thời gian chưa có sự đột phá, tập trung vào học trên lớp quá nhiều, nên chăng cần có sự kết cấu lại giờ học, để cho học sinh có thời gian trải nghiệm công việc gia đình, xã hội. 

Học sinh cần có thời gian trải nghiệm công việc gia đình, xã hội

Muốn vậy, ở bảng kế hoạch giáo dục ở THPT theo cách giáo dục là phân hoá sâu, cần phải có bảng chi tiết thực học của mỗi học sinh là bao nhiêu theo hướng tự chọn môn học, cộng với giờ học các môn bắt buộc. 

Liệu có giảm thời lượng học trên lớp không? Nếu không giảm thì liều lượng kiến thức theo hướng nhiều hơn, sâu hơn. Liệu đây có phải là con đường tốt hơn không? Tăng lượng kiến thức có phải là con đường đào tạo theo hướng năng lực không? Xã hội có đồng ý cách tiếp cận đó không? Theo chương trình đã thực hiện thì số giờ và lượng kiến thức xã hội đã không chấp nhận vì quá tải nhiều.

Trong dự thảo các môn Khoa học tự nhiên ở THCS đã có sự tích hợp 3 môn học trước đây: Vật lí, Hoá học, Sinh học vào 1 môn gọi tên là môn Khoa học tự nhiên với tổng số giờ 140 tiết lên lớp. So với môn Sinh học đang thực hiện số lượng giờ lên lớp chỉ còn lại 57% (187/280) so với trước đây. Như vậy, là có sự giảm đi rất nhiều, trên 40%. Điều này đòi hỏi có sự chọn lọc và gia công môn học Khoa học tự nhiên.

Ở THPT, các môn Khoa học tự nhiên: Vật lí, Hoá học, Sinh học lại được tách ra. Môn Sinh học THPT trước đây có 139 tiết, nay đã lên tới 350 tiết tăng 150%. Như vậy liệu có ổn không nếu không nói là quá nặng, mặc dù là phân hóa sâu, nhưng phải đảm bảo tính phổ thông.

Trong chương trình tổng thể ở bậc THCS cần làm rõ môn Lịch sử và Địa lí có tích hợp không, nếu không nên tách môn Lịch sử, Địa lí riêng. Vấn đề này đã được bàn nhiều ở các Hội thảo và Hội nghị. Lịch sử là vấn đề hệ trọng của đất nước, của dân tộc, bản thân đó là tích hợp rồi, nên dạy tách riêng. Còn sách chưa tốt, thầy dạy chưa hay chưa hấp dẫn lại là chuyện khác.

Không nên tách riêng hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Vấn đề có nên có tên môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong chương trình xuyên suốt từ lớp 1 cho đến lớp 12 không? Trải nghiệm sáng tạo không phải trước đây trong hệ thống chương trình cũ không có về nội dung mà đã được tích hợp với các môn học cụ thể và các hoạt động mang tính xã hội như tham quan thực tế, đưa học sinh xuống địa phương làm nghiên cứu khoa học và các hoạt động mang tính thực tiễn, không nên tách thành môn riêng. 

Sở dĩ trước đây thực hiện còn hạn chế bởi vì chưa giao cụ thể trách nhiệm cho các bộ môn khoa học nên việc thực hiện chưa hiệu quả. Vậy nên trong cải cách lần này nên giao nhiệm này cho giáo viên bộ môn không nên tách thành bộ môn riêng. Trải nghiệm sáng tạo chỉ có thể có hiệu quả cao, đáp ứng được phát triển năng lực khi tích hợp vào từng môn học riêng rẽ. Hiện tại, với tổng số giờ cho bộ môn mới này là 1155 giờ (từ lớp 1 đến lớn 12), trong việc biên soạn chương trình môn học, nên có ưu tiên cho vấn đề trải nghiệm sáng tạo thông qua từng môn học cụ thể không nên đưa môn học này thành một môn riêng.

Nhiều vấn đề nên xem xét lại

Theo NGND Lê Đình Trung, trong phần giới thiệu chương trình cần làm rõ cụm từ đổi mới căn bản và toàn diện. Ở đây cần hiểu đổi mới căn bản không phải là thay đổi toàn bộ chương trình mà phải tiếp cận ưu điểm của chương trình cũ, xét xem khâu yếu nhất hiện nay là gì, phải tìm cho được để có thể tác động vào đó thay đổi cả hệ thống giáo dục theo một hướng tiếp cận mới. Có phải khâu yếu nhất hiện nay là chương trình và SGK không? Hay là ở điểm khác? Chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, cải thiện đời sống, lương bổng cho giáo viên chăng? Phải xác định đúng thì mới có sự đột phá thực sự về giáo dục.

Việc xây dựng chương trình tổng thể ở đây cần phải căn cứ vào phẩm chất và năng lực cần có của người học, hệ thống năng lực và phẩm chất nhiều chỗ còn chung chung, nhiều chỗ lại quá chi tiết mang tính vụn vặt, nhiều chỗ chưa thật tường minh cần nghiên cứu để điều chỉnh lại. Khi đọc bản chương trình tổng thể người đọc chưa thấy được sự gắn kết phẩm chất, năng lực (mục 2, trang 37-38) với 2 bảng tổng hợp kế hoạch ở trang 9 và 11, 12).

Cần xem lại một số khái niệm ở trang 36, 37 để định nghĩa làm cho rõ và hoàn chỉnh hơn. Ví dụ môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc chỉ dùng một khái niệm là môn học tự chọn bao gồm tự chọn theo sở thích và theo định hướng nghề nghiệp. Cần hiểu tự chọn là theo nhu cầu của học sinh sao lại có bắt buộc hay không bắt buộc?

Trong chương trình tổng thể lần này cũng cần phải làm rõ chương trình được xây dựng dựa trên triết lí của giáo dục phổ thông là gì?

Nên nghiên cứu kĩ lại chương trình. Ở đây, chỉ có phân hoá sâu, không đảm bảo phân ban, nên có sự phân ban sớm để giảm bớt gánh nặng đào tạo cho các trường Đại học. Nếu tình trạng thế này thì áp lực cho các trường Đại học lại rất nặng nề.

Cuối cùng, nên xem lại chương trình giáo dục phổ thông có thể rút ngắn xuống 10 – 11 năm không? Đây là vấn đề xã hội rất cần, mà có lẽ đây cũng là một đột phá chương trình trong lần cải cách này.