Rút bảo hiểm xã hội một lần - lợi trước mắt, hại lâu dài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Số người hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong giai đoạn 2016-2021 lên tới 4 triệu người và có chiều hướng tăng qua các năm. Các chuyên gia cảnh báo, thực tế này sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy khi người lao động về già không có lương hưu.

Số người hưởng BHXH một lần tăng dần

Thông tin từ BHXH Việt Nam cho biết, giai đoạn 2016-2021 toàn quốc có 4 triệu người được giải quyết hưởng BHXH một lần (chưa tính số lượng người lao động do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an giải quyết). Trung bình, mỗi năm có trên 800.000 người rút BHXH một lần, số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%/năm. Số người hưởng BHXH một lần ước tính trong năm 2022 là 895.500 người (tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021). Như vậy, so với bình quân các năm vừa qua, mức tăng của năm 2022 không phải bất thường.

Nói về nguyên nhân dẫn tới thực tế này, ông Chu Mạnh Sinh - Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Nguyên nhân là do các chính sách hưởng BHXH một lần tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động; do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 hơn 2 năm qua khiến đời sống của người dân cũng như người lao động gặp rất nhiều khó khăn; nhiều trường hợp chỉ còn trông chờ vào số tiền rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống”.

Rút BHXH một lần chỉ lợi trước mắt và có hại về lâu dài

Rút BHXH một lần chỉ lợi trước mắt và có hại về lâu dài

Ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhìn nhận, tình trạng người lao động rút BHXH một lần tuy không mới nhưng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Đáng chú ý, những tháng cuối năm, do ảnh hưởng của lạm phát, biến động kinh tế bởi các xung đột thế giới, nhiều doanh nghiệp trong nước đã cạn đơn hàng buộc phải cho người lao động nghỉ việc. “Việc lựa chọn rút BHXH một lần với người lao động được xem như giải pháp tình thế để giải quyết cho những khó khăn, chi phí sinh hoạt trước mắt. Đây được coi là thách thức lớn trong quá trình hoàn thiện chính sách cũng như tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội vì hiện nay chúng ta mới có gần 34% người tham gia BHXH. Nếu người rút BHXH nhiều hơn số người đóng sẽ ảnh hưởng đến quỹ hưu trí về sau” - ông Bùi Sỹ Lợi bình luận.

Thiệt thòi khi về già

Phân tích sâu hơn về thực tế nên trên, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng do người dân không hiểu về tính an toàn cho cuộc sống khi về già mà BHXH mang lại nên họ mới rút BHXH một lần. “Người rút BHXH chỉ thấy cái trước mắt mà không thấy cái lâu dài. Bây giờ, người lao động muốn có vài chục triệu đồng vì tin rằng có thể là nguồn vốn hay một cú hích để thay đổi cuộc sống. Nhưng nếu mở hàng bán buôn hết tiền, làm ăn thua lỗ hay mất mát thì sẽ dựa vào đâu để sống? Đây là câu hỏi cần được đặt ra bởi chúng ta không thể bán sức lấy tiền mà chỉ có thể dùng tiền mua sức khỏe” - ông Bùi Sỹ Lợi nêu ý kiến.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, việc rút BHXH một lần chỉ lợi trước mắt và có hại về lâu dài. Do vậy, cần có giải pháp để hạn chế hoặc tạo điều kiện để người lao động tiếp tục tham gia BHXH hướng tới đủ thời gian hưởng lương hưu. Trong cấu trúc an sinh 4 trụ cột thì BHXH là trụ cột thứ hai. Việc rút BHXH có lợi trước mắt, nhưng hại về lâu dài bởi rút một lần và không đóng tiếp đến khi hết tuổi lao động sẽ không có lương hưu. Khi đó sẽ không có bảo hiểm hưu trí, chờ đến khi 80 tuổi mới được trợ cấp 360.000 đồng thì sẽ rất khó khăn, những người không có tích cóp thì rất khó xoay xở trong cuộc sống.

Do vậy, cần phải nhanh chóng tuyên truyền, giải thích, vận động để người lao động hiểu rõ lợi ích của việc tiếp tục tham gia đóng BHXH hướng tới hưởng lương hưu thay vì rút một lần. “Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của quỹ hưu trí rất quan trọng. Những người nghiên cứu và làm chính sách cùng các cơ quan thông tin tuyên truyền cần tiếp tục giải thích để người dân hiểu giá trị bảo vệ của BHXH. Phải giải thích cho người lao động hiểu được rằng, quỹ này được Nhà nước bảo hộ. Kể cả BHYT, BHXH, khi không may có vấn đề gì xảy ra, Nhà nước sẽ “bơm” tiền từ quỹ phúc lợi xã hội, an sinh xã hội để chăm lo cho người dân” - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội nêu quan điểm.

Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, các cơ quan liên quan đang nghiên cứu đề xuất với Chính phủ sửa luật theo hướng BHXH cho phép người rút 8%, còn 14% giữ lại đến 60 tuổi bắt đầu trả tiền đó cho người lao động cộng thêm 360.000 đồng. Khi đó, thu nhập của người hưởng BHXH sẽ cao hơn. “Tức là tôi giữ lại cho anh đến tuổi anh không còn khả năng lao động thì tôi “bơm” thêm tiền Nhà nước hỗ trợ gọi là hưu trí xã hội 360.000 đồng, cộng thêm 14% tích luỹ sau bao nhiêu năm để giải ngân cho anh khi anh hết tuổi lao động. Tiền BHXH người lao động đóng, Nhà nước vẫn đầu tư tăng trưởng, bảo đảm quỹ phát triển an toàn. Khi người lao động về hưu, Nhà nước điều chỉnh lương đảm bảo giá trị thực tế của đồng tiền không bị trượt giá” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Theo ông Chu Mạnh Sinh - Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, việc hưởng BHXH một lần tăng nhanh liên quan mật thiết đến sự phát triển của kinh tế - xã hội. Vì thế, thời gian tới Nhà nước cần có những giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm để tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đồng thời, khi đề xuất sửa Luật BHXH cần có những chính sách tăng quyền lợi đối với người lao động có thời gian tham gia BHXH chưa được hưởng một lần; giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhiều cơ hội được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động…

Thời gian qua, BHXH đã tổ chức tuyên truyền sâu, rộng việc người lao động sẽ gặp nhiều thiệt thòi khi rời khỏi hệ thống BHXH và đề nghị các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc tuyên truyền không nên nhận BHXH một lần… Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan liên quan để tăng cường truyền thông, vận động và sớm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể, lâu dài để hạn chế tình trạng người lao động rút BHXH một lần.

Tính đến ngày 30-9-2022, số người tiếp tục tham gia BHXH sau khi được vận động, tuyên truyền, thuyết phục của cán bộ bảo hiểm tại bộ phận một cửa là 15.068 người. Nhưng dư luận chưa thể hài lòng bởi cả giai đoạn 2016-2021 có hơn 4 triệu người nhận BHXH một lần nhưng chỉ có 140.000 người tái tham gia, chiếm 3,5% số người hưởng BHXH một lần - con số còn hết sức khiêm tốn…

Theo quy định tại Nghị định 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ, các trường hợp người lao động được nhận BHXH một lần gồm: Người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH (hoặc chưa đủ 15 năm đóng BHXH đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn) và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc; người tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH; người ra nước ngoài để định cư; người đang mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

Theo quy định tại Nghị định 33/2016/NĐ-CP, đối tượng nhận BHXH một lần còn là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật Công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; hạ sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.