Rõ trách nhiệm bồi thường khi xảy ra tai biến do tiêm chủng

ANTĐ - Chiều 4-8, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, Bộ đang tiếp tục xin ý kiến về quy định bồi thường tai biến do tiêm chủng bắt buộc. Ngoài ra, tới đây, Bộ sẽ đề xuất đưa thêm 2 loại vaccine mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia.

Rõ trách nhiệm bồi thường khi xảy ra tai biến do tiêm chủng ảnh 1
- Số lượng vaccine TCMR của nước ta hiện nay đã đáp ứng được đầy đủ nhu cầu, thưa ông?

- Hiện tại, tính cả 2 loại vaccine mới nhất vừa được đưa vào chương trình TCMR quốc gia trong tháng 6-2015 vừa qua (gồm vaccine phối hợp phòng sởi - rubella và vaccine viêm não Nhật Bản), chúng ta đã có tổng cộng 11 loại vaccine. Theo lộ trình, tới đây, sẽ có thêm 2 loại vaccine mới được đưa vào chương trình TCMR quốc gia gồm vaccine bại liệt dạng tiêm (IPV) và vaccine phòng tiêu chảy do Rota virus. Trong đó, vaccine IPV sẽ chính thức được tiêm miễn phí cho trẻ từ tháng 5-2016 tới, mỗi trẻ được tiêm 1 mũi kết hợp với uống 3 liều  vaccine bại liệt.

Rõ trách nhiệm bồi thường khi xảy ra tai biến do tiêm chủng ảnh 2

Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi-rubella

- So với vaccine dịch vụ, độ an toàn của vaccine TCMR đến đâu? 

- Không phải vaccine TCMR đều là vaccine nội còn vaccine dịch vụ đều là vaccine ngoại như nhiều người lầm tưởng, cũng không phải vaccine dịch vụ đảm bảo hơn vaccine miễn phí. Tất cả các loại vaccine, dù dịch vụ hay miễn phí, đều phải đảm bảo chất lượng, an toàn, được thẩm định và thử nghiệm rất chặt chẽ. 

Mục tiêu của chúng ta là trẻ em được tiêm càng nhiều loại vaccine, tiêm đầy đủ, đúng lịch thì càng tốt. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân hãy đặt niềm tin và chủ động đưa con em mình đi TCMR để có miễn dịch phòng bệnh. Hiện Bộ Y tế cũng đang xây dựng một phần mềm về tiêm chủng, qua đó, giúp cán bộ tiêm chủng nắm chắc đối tượng tiêm chủng, biết rõ trẻ đã được tiêm mũi gì, chưa tiêm mũi gì.

- Dự thảo quy định về bồi thường tai biến do tiêm chủng do Bộ Y tế đang xây dựng được dư luận rất quan tâm. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc ngành y tế trực tiếp ra kết luận nguyên nhân tai biến để làm cơ sở bồi thường khó đảm bảo khách quan?

- Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với tai biến do tiêm chủng đã được quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm có hiệu lực từ năm 2008. Dự thảo Nghị định về hoạt động tiêm chủng chỉ làm rõ quy định về bồi thường tai biến do tiêm chủng. Bộ Y tế đang tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo.

Quy định bồi thường thiệt hại do tai biến tiêm chủng là rất nhân văn, vừa đảm bảo hỗ trợ, bồi thường phần nào cho những người, gia đình người bị thiệt hại (gặp tai biến) do tiêm chủng bắt buộc, vừa nâng cao trách nhiệm của những người làm công tác tiêm chủng. Hiện tại, dự thảo được xây dựng theo hướng khi xảy ra tai biến do tiêm chủng bắt buộc, Nhà nước sẽ bồi thường. Sau khi có kết quả giám định của hội đồng tư vấn chuyên môn, nếu lỗi để xảy ra tai biến do vaccine thì nhà cung cấp vaccine phải bồi hoàn cho Nhà nước, do tiêm chủng thì cán bộ tiêm chủng phải bồi hoàn. Còn việc kết luận có đảm bảo khách quan hay không thì Hội đồng tư vấn chuyên môn phải chịu trách nhiệm. Tại dự thảo, chúng tôi cũng đưa ra những điều khoản thể hiện trách nhiệm cao hơn của Hội đồng.

 
Gần 20 triệu trẻ em đã được tiêm vaccine sởi - rubella

Chiều 4-8, Bộ Y tế cho biết, chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi - rubella miễn phí cho tất cả trẻ từ 1 đến 14 tuổi trên phạm vi toàn quốc từ tháng 9-2014 đến tháng 5-2015 đã hoàn tất. Cụ thể, gần 20 triệu trẻ em (đạt tỷ lệ 98,2% số trẻ từ 1 -14 tuổi) đã được tiêm vaccine sởi - rubella.

Đến nay, chỉ còn 23 xã vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền núi khó khăn chưa đạt tỷ lệ tiêm 95% và các tỉnh này đang chỉ đạo tiếp tục tiêm vét, phấn đấu 100% số xã đạt tỷ lệ tiêm trên 95% trong tháng  8-2015. Nhờ đó, 7 tháng đầu năm nay, cả nước chỉ ghi nhận rất ít trường hợp mắc sởi, không có ổ dịch sởi. 
Tiến hưng