Rau xanh ế chỏng chơ, giá tụt thê thảm sau Tết Nguyên đán

ANTD.VN - Sau Tết Nguyên đán 2018, giá rau xanh bất ngờ hạ nhiệt và tụt thê thảm trong những ngày qua. Các chợ dân sinh tràn ngập rau củ với giá rẻ như cho nhưng vẫn ế dài. 

Nếu như các năm trước, sau Tết rau xanh thường là mặt hàng đắt đỏ thì sau Tết Mậu Tuất năm nay rau củ các loại lại bán rẻ như cho. Đáng nói, do được mùa, sản lượng nhiều nên dù bán với giá rẻ mà vẫn ế đầy chợ.

Ghi nhận của phóng viên tại các chợ dân sinh trên địa bàn cho thấy, rau củ sau Tết đa dạng, từ cải bắp, cải cúc, cải ngọt đến su hào, súp lơ, rau muống,  rồi các loại củ khác như khoai tây, cà rốt... đều dồi dào. Theo đó, giá rau xanh cũng rẻ đến mức giật mình.

Cải cúc chỉ có giá 1.000 đồng/bó nhưng cũng ế ẩm, bán không hết

Cụ thể, su hào củ to có giá từ 1.000 đồng-2.000 đồng/củ, tùy chợ. Rau muống dù chưa chính thức vào vụ nóng nhưng cũng chỉ có giá 5.000 đồng/bó to. Rẻ hơn nữa là các loại rau chính vụ như cải cúc chỉ có giá 1.000 đồng/bó.

Cà chua loại to, ngon nhiều bột cũng chỉ có mức 5.000 đồng/kg, đắt hơn thì được 7.000 đồng/kg, cải bắp 5.000 đồng/ chiếc khá to, hơn 1kg, súp lơ xanh (khoảng 7 lạng/cái) nếu như trước Tết bán với giá 15.000 đồng/chiếc thì hiện tại chỉ còn 5.000 đồng hoặc 6.000 đồng/chiếc. Cà rốt cũng chỉ còn 5.000-7.000 đồng/kg. 

Su hào có giá 10.000 đồng được 5-6 củ to

Chị Nguyễn Thị Luyến, một nông dân ở Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội tay thoăn thoắt nhặt từng củ su hào to như cái bát ăn cơm để mời chào người mua chia sẻ: "Vụ này su hào được mùa nên mất giá lắm.

Giá bán tại ruộng chưa được 1.000 đồng/củ nên tôi đành phải cắt đem bán tận gốc tới tay người tiêu dùng với giá 2.000 đồng/củ, hoặc 10.000 đồng/6 củ để gỡ vốn. Trồng hơn  3 sào su hào, trước Tết được giá lên đến 7.000 đòng-8.000 đồng/củ mà không có bán. Sau Tết thu hoạch ầm ầm thì giá lại rẻ ê hề, cả buổi chợ mà bán được non nửa xe rau", chị Luyến cho hay.

Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau Tết Nguyên đán, bà con nông dân sẽ thu hoạch hàng loạt rau, màu vụ đông để lấy đất cấy lúa xuân. Do vậy, nguồn cung rau sẽ tăng đột biến.

“Bên cạnh đó, thời tiết năm nay nồm ẩm, mưa xuân đúng độ, rất thuận lợi cho các loại rau phát triển, nhiệt độ ấm, rau muống, mùng tơi, rau cần… sinh trưởng, phát triển nhanh.

Mặt khác, bà con nông dân tập trung trồng rau để phục vụ Tết nhưng lượng rau tiêu thụ trong dịp Tết không nhiều, hoặc rau cho thu hoạch không đúng thời điểm khiến ra giêng lượng rau ra thị trường tăng cao làm nguồn cung vượt cầu, dẫn đến tình trạng ế thừa rau và rớt giá như hiện nay”, ông Định phân tích.

Trước một số  thông tin cho rằng rau củ trong nước đang rớt giá thê thảm là do rau củ nhập khẩu, lãnh đạo Cục Trồng trọt cho rằng không có cơ sở. Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết thêm, rau xanh hầu như không được nhập khẩu vào Việt Nam từ hai tháng nay. Thái Lan không xuất khẩu rau sang Việt Nam, họ chỉ xuất khẩu trái cây. Còn Trung Quốc nhiều năm nay hầu như không xuất khẩu rau xanh sang Việt Nam.