- Sắp hết thời hạn thí điểm, dịch vụ Mobile Money chưa được gia hạn
- Hơn 159 triệu giao dịch sau 2 năm thí điểm, NHNN đề xuất xây dựng Nghị định về Mobile - Money
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến về Hồ sơ xây dựng Nghị định quy định về dịch vụ tiền di động (Mobile Money). Trong đó, đề xuất nâng hạn mức rút tiền dịch vụ này so với giai đoạn thí điểm hiện tại.
![]() |
Hơn 10,22 triệu tài khoản Mobile Money đã được đăng ký và sử dụng sau thời gian thí điểm |
Hiện hạn mức sử dụng dịch vụ Mobile Money được giới hạn ở mức không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản, bao gồm các giao dịch rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.
NHNN cho rằng hạn mức trên là chưa phù hợp với nhu cầu thực tế và làm giảm tính hấp dẫn của dịch vụ so với các phương thức khác; đồng thời, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm đề xuất tăng hạn mức này.
Do vậy, trong dự thảo Nghị định, NHNN đề xuất nâng tổng hạn mức giao dịch (rút tiền, chuyển tiền, thanh toán) lên mức tối đa là 100 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, hạn mức này không áp dụng đối với các giao dịch thanh toán dịch vụ thiết yếu như: dịch vụ công, điện, nước, học phí, viện phí, bảo hiểm xã hội... (được cộng thêm hạn mức 100 triệu đồng/tháng cho các giao dịch thanh toán dịch vụ thiết yếu).
Cơ quan soạn thảo cho rằng, điều này tạo ra sự linh hoạt rất lớn, giúp dịch vụ tiền di động trở thành một công cụ thanh toán tiện lợi hơn cho các nhu cầu hàng ngày của người dân.
Ngoài ra, NHNN cũng đề xuất một số quy định nhằm phát triển rộng rãi hơn nữa các đơn vị chấp nhận thanh toán (ĐVCNTT). Hiện nay, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm gặp khó khăn về thời gian và nguồn lực khi phải trực tiếp ký hợp đồng với từng ĐVCNTT, chưa tận dụng được hạ tầng thanh toán sẵn có.
Tại dự thảo, NHNN kiến nghị cho phép tổ chức cung ứng dịch vụ tiền di động được chủ động mở rộng hợp tác, phát triển ĐVCNTT thông qua việc ký hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản hoặc thông qua các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngoài ra, về việc lựa chọn và quản lý các điểm kinh doanh, các doanh nghiệp thí điểm đã đề xuất sửa đổi quy định yêu cầu điểm kinh doanh phải là pháp nhân, vì điều này gây khó khăn trong việc phát triển mạng lưới, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Theo đó, tại Dự thảo Nghị định, NHNN định nghĩa điểm kinh doanh có thể do "doanh nghiệp khác thiết lập, được tổ chức cung ứng dịch vụ tiền di động ký hợp đồng ủy quyền", qua đó, sẽ giải quyết được một phần khó khăn trong mở rộng điểm kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ngoài hạn mức, dự thảo cũng đề cập đến các yêu cầu nghiêm ngặt về quản lý tài khoản. Theo đó, tổ chức cung ứng dịch vụ tiền di động bắt buộc phải duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán tại các ngân hàng hợp tác, sao cho không thấp hơn tổng số dư của tất cả các tài khoản tiền di động đã phát hành cho khách hàng tại cùng một thời điểm.
Theo báo cáo từ ba nhà mạng viễn thông đang triển khai thí điểm, tính đến cuối tháng 12/2024, đã có hơn 10,22 triệu tài khoản Mobile Money được đăng ký và sử dụng.
Đáng chú ý, trong số này có tới 7,31 triệu tài khoản đến từ các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo - chiếm khoảng 72% tổng số tài khoản.
Tổng số lượng giao dịch qua các tài khoản tiền di động từ khi bắt đầu thí điểm đến cuối năm 2024 đã đạt hơn 193,89 triệu lượt, với giá trị giao dịch lũy kế hơn 6.435 tỷ đồng.
NHNN nhấn mạnh rằng việc tiếp tục duy trì dịch vụ tiền di động là cần thiết để đảm bảo hoạt động thanh toán thông suốt, đặc biệt tại những khu vực khó tiếp cận với hệ thống ngân hàng truyền thống.
Việc hoàn thiện hành lang pháp lý và nâng hạn mức giao dịch cũng là bước đi quan trọng nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời gia tăng trải nghiệm tiện lợi, hiện đại cho người dân ở mọi vùng miền...