Rất nhiều ám ảnh
(ANTĐ) - Dạo này đọc báo thấy nhiều chuyện rất hãi, chỉ nghe qua đã thấy ghê cả người, nào là “ám ảnh nhà vệ sinh bệnh viện”, “kinh hoàng bệnh “tiểu đường”, “Hiểm họa từ các quán ăn đường phố”, “Cột điện “mọt” mùa mưa bão” v.v và v.v, cứ cái đà này chắc không dám ăn uống ngoài đường, không dám ra khỏi nhà - Ký Phường than thở.
- Báo chí nói đúng đấy. Ngoài những chuyện vĩ mô ra, thì phải quan tâm đến những vấn đề hàng ngày trong cuộc sống người dân. Tôi thấy những chuyện báo chí nêu đều rất trúng, có địa chỉ cụ thể, có đề xuất giải pháp, có yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc.
- Thế đã có cơ quan nào “vào cuộc” chưa?
- Cũng có vài việc. Việc nào dễ thì làm trước, việc nào khó, có liên quan đến nhiều ngành cần phải “có sự phối hợp” thì làm từ từ. Nhưng trước tiên cứ là phải khen bài ấy ở báo ấy nói đúng, “chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm”.
Báo rất khoái, đăng một cái “Hồi âm bài báo”, hoan nghênh sự tiếp thu phê bình của chỗ ấy chỗ nọ, thế là xong. Không cần “hậu kiểm” để xem nơi được nhắc nhở có sửa chữa kịp thời, có thực sự cầu thị không?
- Làm báo thế thì phí sức quá. Mà nhân nói đến những chuyện ám ảnh, những nỗi kinh hoàng, tôi kể ông nghe một chuyện kinh hoàng mới nhất: Số là trong cơn mưa chiều thứ 3 (1-7) vừa rồi, mưa chỉ chừng một tiếng đồng hồ mà phố xá nhiều nơi đã ngập, vùng vẫy trong dòng nước cống đen sì, hôi hám, đi được một đoạn thì đúng nơi mình vừa qua, một cành cây gãy. May mà không trúng ai. Hú vía!
- Hú vía thật, chứ đi đường mà vướng dây điện đứt, mà cây cối thân gãy cành rơi rồi “vô cùng thương tiếc đồng chí Ký Phường” thì cũng không lãng mạn lắm.
- Phỉ phui cái mồm ông. Dưng mà, cũng có thể có chuyện ấy lắm. Thế là ông lại gieo vào tôi một nỗi ám ảnh nữa rồi. Mà càng nhiều ám ảnh thì đời càng ngắn lại. Dừng chuyện này, nói chuyện gì “xả sờ-trét” đi.
Ký Thật