Ranh giới thật mỏng manh

ANTĐ - Sự đời càng ngẫm càng thấy trớ trêu. Niềm vui sướng của người này lại là nỗi đau khổ của người khác. Miếng ăn khoái khẩu của người này lại trở thành món đáng sợ đối với người kia.

- Lại khái quát, triết lý! Nhiều khi đúng nhưng cũng lắm lúc sai. “Sống trên sự đau khổ của người khác” thì kể ra nhiều lắm. Ông có thể đưa dẫn bằng chứng nóng hổi nhất không?

- Chuyện “cẩu tặc” đã trở thành một bi kịch lặp đi lặp lại bao năm nay rồi. Những kẻ bị bắt quả tang hoặc bị tình nghi ăn trộm chó đã bị đám đông xử tại chỗ. Nhiều nơi chủ chó còn bị “cẩu tặc” hành hung dã man, thậm chí mất mạng.

- Dân ta thường gán con vật tội nghiệp ấy những từ xấu xa, tồi tệ nhất, nào là “chó má, chó đẻ, chó ghẻ” trong khi ở bên Tây, ở nước ngoài người ta quý chó, coi chó như người bạn thân thiết, trung thành.

- Dân gian cũng có câu: “Khuyển, mã chí tình”. Bây giờ nhiều gia đình cũng yêu thương, quý chó như… Tây ấy. Thế nên nạn “cẩu tặc” càng trở nên bức xúc. Thế nhưng vẫn không ghê sợ bằng “công nghệ” chế biến cầy tơ “ba không”.

- Đương nhiên “cẩu tặc” thì phải phục vụ cho các lò mổ, trung tâm cung cấp đặc sản “mộc tồn” cho dân bợm nhậu. Chuyện đó ở ta có gì lạ đâu.

- Bây giờ nâng lên đẳng cấp chuyên nghiệp rồi. Mỗi ngày hàng tấn thịt chó được cung cấp cho khắp mọi miền. Chó mua từ đám “cẩu tặc” chẳng chừa khỏe hay ốm, có dịch bệnh, thậm chí bị ăn bả đều được tẩm ướp qua “tuyệt chiêu” làm hàng là béo vàng, thơm phức ngay.

- Thôi thì anh nào háu ăn cứ cho đi  “tham quan” các lò mổ mà trắng mắt ra, cố mà buộc mồm, buộc miệng.

- Từ chuyện “cẩu tặc” tới chuyện công nghệ chế biến cầy tơ bảy món đến rợn người, thì mới thấy con người ta bây giờ dã man hơn cả… cẩu.

- Đâu chỉ riêng chuyện “chó má”, cái ranh giới giữa con và người ngày càng mỏng manh, đáng sợ.