Rắc rối chuyện phiên âm tiếng nước ngoài

ANTĐ - Từ lâu, việc phiên âm danh từ riêng của nước ngoài sang tiếng Việt trong sách giáo khoa (SGK) vốn được xem là hữu ích cho mọi cá nhân, trong trường hợp họ không biết cách phát âm tiếng nước ngoài, nhưng theo nhiều người đây lại là nguồn gốc của những chuyện “dở khóc, dở cười” từ cách Việt hoá này…


Biến dạng ngôn ngữ

Vừa qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc yêu cầu sửa phiên âm tên gọi của luật sư Francis Henry Loseby - người đã bào chữa và bảo vệ thành công cho Tống Văn Sơ (tức Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) tại tòa án Hồng Kông năm 1931. Trong tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” in trên SGK của Nhà xuất bản Giáo dục, tên của vị luật sư trên được phiên âm sang tiếng Việt là Lôdơbai, trong khi cách đọc chính xác tên của nhân vật này phải là Lôdơbi. Vì vậy, Bảo tàng đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo NXB Giáo dục đính chính SGK cách gọi đúng tên của luật sư là Francis Henry Loseby (Phơrăngxít Henri Lôdơbi)…

Tương tự, trong nhiều cuốn SGK hiện nay đa phần các nhân vật nổi tiếng trong giới thi, ca, nhạc, hoạ như: Beethoven (dịch là Bét-tô-ven), Mozart (Mô-da), Lev Tolstoy (Lép Tôn-xtôi) khiến học sinh khó tra cứu và vô tình tạo ra rào cản trong quá trình hội nhập tri thức…Thậm chí, họa sĩ Leonardo di ser Piero da Vinci thiên tài người Ý đã được phiên âm thành Lê-ô-nác-đô đa Vin-xi. Cũng bởi lý do này, anh Nguyễn Thanh Tùng đã mất cả tiếng đồng hồ trên công cụ tìm kiếm để tìm thị trấn nhỏ Amboise ở nước Pháp - nơi người họa sĩ tài ba này đã từng sinh sống, song cũng không khác nào mò kim đáy biển. “Chỉ đến khi được một người bạn cho biết Am-boi-sơ viết nguyên dạng là Amboise, tôi mới dễ dàng tìm thấy vô số thông tin liên quan đến thị trấn nổi tiếng này…”, anh Tùng cho biết.

Cũng liên quan đến kiểu phiên âm trên, em Phạm Quang Anh - học sinh lớp 11 một trường THPT ở quận Đống Đa đã không khỏi ngỡ ngàng khi phát hiện Rô-sơ-ven chính là Roosevelt. Lý do là bởi khi tra tên chính xác vị Tổng thống gắn liền với Thế chiến II Franklin D Roosevelt, của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, em lại đánh vào mục tìm kiếm tên của vị tổng thống này là Rô-sơ-ven. Không chỉ riêng trong SGK, ở một số sự kiện quan trọng, những bài phát biểu cũng được nhiều người soạn thảo văn bản Việt hoá danh từ riêng của một số vị lãnh đạo các nước cho…dễ đọc. Tuy vậy, trên thực tế cách viết này đã khiến không ít người vô cùng lúng túng vì không biết ngắt, nghỉ ở đoạn nào cho hợp lý. Chưa kể những người có tên sẽ khó mà chấp nhận khi tên của họ đã bị thay đổi bởi những người soạn thảo đã tự biên, tự diễn …

Không có chuẩn sẽ khó bắt lỗi

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng - chuyên gia ngôn ngữ học, việc phiên âm danh từ riêng ra tiếng Việt nhằm đáp ứng nhu cầu của đại đa số người dân. Song hiện nay, khi dân trí đã được nâng lên, cách viết phiên âm đã gây khó khăn không nhỏ trong việc tìm kiếm thông tin và bồi dưỡng tri thức. Do vậy, những người có trách nhiệm trong việc biên tập SGK hay khi phiên âm, phát âm trên Đài Phát thanh-Truyền hình cần thống nhất lại cách viết, bám sát vào cách phát âm của nguyên ngữ và cần trích dẫn thêm từ tiếng Anh. Có thể nói ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu mang tính chất quy ước. Việc phiên âm tên riêng, địa danh nước ngoài sang tiếng Việt là việc không đơn giản. Khi phiên âm cần dựa vào cách phát âm và các yếu tố lịch sử, truyền thống, ngôn ngữ của từng địa  phương. Với những tên riêng, địa danh đã có từ lâu đời trong cách đọc, viết của người Việt thì không nên thay đổi, nhưng đối với các tên mới, việc thống nhất lại thành một quy tắc gần với ngôn ngữ gốc cả về chữ viết và phát âm là điều cần thiết. Phiên âm sát ngôn ngữ gốc sẽ khắc phục được tình trạng học sinh chỉ biết đọc mà không biết viết, thậm chí không biết tên thật của nhân vật, địa danh đó. Ngoài ra, có những tên riêng nước ngoài khi phiên âm ra tiếng Việt đã tạo ra những cụm từ có ý nghĩa không được đẹp, đặc biệt là tên riêng của người Lào, Thái Lan.. thì không cần phiên âm.

Hiện nay, với tên riêng, địa danh nước ngoài đang tồn tại ba cách giải quyết: Phiên âm cách đọc (London viết là Luân đôn, Newyork viết là Niu ooc; Dịch nghĩa (Quảng trường Thời đại (Mỹ), Khải hoàn môn (Pháp)) hoặc để nguyên dạng. Về vấn đề phiên âm ra tiếng Việt hiện vẫn có nhiều quan điểm trái chiều. Có người cho rằng cần phải có phiên âm phổ cập để mọi người đọc bởi không phải ai cũng có thể đọc được tiếng nước ngoài. Nhưng lại có ý kiến khác tỏ ý phản đối vì phiên âm có thể khiến cho người đọc không biết chắc chắn đọc thế nào là đúng, giữa cách viết và cách đọc khác nhau. Thực tế cho thấy, với cùng một tên người hay tên đồ vật, một địa danh nhưng chính người trong một nước, ở những vùng miền khác nhau cũng có những cách đọc khác nhau. Ví dụ tên xe Lexus, người miền Bắc thường đọc là Li xớt nhưng người miền Nam lại đọc là Lếch xù.

Trên thế giới, một số quốc gia, trong đó có Pháp đã có quy định từ mới nào của tiếng Anh được chấp nhận ở tiếng Pháp, từ nào không. Cá nhân nào sử dụng sai không những sẽ bị phê phán không có tinh thần yêu nước mà còn bị xử phạt nặng. Mỗi năm Viện Hàn lâm Khoa học Pháp còn đưa ra những khuyến cáo cho việc sử dụng tiếng nước họ như thế nào cho phù hợp. Viện Hàn lâm Khoa học của Pháp đã xuất bản Bộ từ điển được xem là chuẩn mực về từ ngữ, các quy tắc ngữ pháp, chính tả. Còn ở Việt Nam, dù hiện tại đã có một vài cuốn từ điển phiên âm tên riêng nước ngoài do một số tác giả chủ biên nhưng đó chỉ được coi là giải pháp, không có tính bắt buộc mọi người phải theo. Do vậy, có thể nói ở nước ta chưa có một quy định nào về việc phiên âm tên riêng nước ngoài.

Vi phạm ngôn ngữ cũng giống như vi phạm giao thông, nếu không có chuẩn thì khó bắt lỗi. Để có sự thống nhất về vấn đề này, trong thời gian tới, Nhà nước cần có sự đầu tư kinh phí, thực hiện điều tra cách thể hiện ngôn ngữ của người dân, tìm ra những xu hướng mới, từ đó hệ thống các biểu hiện về ngôn ngữ bằng lời nói và chữ viết bằng việc ban hành một bộ luật ngôn ngữ trong đó quy định các vấn đề như viết hoa các tên tổ chức, cơ quan, xử lý tên riêng, phiên âm tên, địa danh nước ngoài...trong thời gian sớm nhất, tránh tình trạng “ông chẳng, bà chuộc”…