Quyết liệt kiềm chế lạm phát ở mức 15-17%

(ANTĐ) - Chiều 1-7, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6-2011, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải xác định việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu.
Quyết liệt kiềm chế lạm phát ở mức 15-17% ảnh 1
Kiểm soát tốt thị trường sẽ giúp kiềm chế lạm phát

Thủ tướng cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, điều chuyển, cắt giảm vốn đầu tư công theo kế hoạch và các tiêu chí đã đề ra và kiểm soát chặt chẽ đầu tư của doanh nghiệp nhà nước để góp phần giảm cầu và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Thực hiện nghiêm việc tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên, dùng khoản tiết kiệm này để chi cho an sinh xã hội. Giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP. Bảo đảm cân đối cung - cầu các hàng hoá và dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống; ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thao túng thị trường, tăng giá bất hợp lý. Phấn đấu kiểm soát lạm phát (CPI) ở mức 15-17%. Cùng với các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cần tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả nhằm đạt mức tăng trưởng hợp lý (khoảng 6% cả năm) để có nguồn lực thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội và tạo tiền đề cho sự phát triển tiếp theo. Liên quan tới những câu hỏi về thị trường bất động sản cũng như các giải pháp đối với thị trường này tại buổi họp báo, ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: “Bộ Xây dựng có báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường bất động sản cũng như đề xuất một số các biện pháp kiểm soát tốt thị trường, góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cũng nhằm mục tiêu chống lạm phát. Bộ cũng có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên trong cả 2 văn bản trên không có đề nghị nới lỏng tín dụng cho thị trường bất động sản”. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng cho biết, thời gian vừa qua có nhiều nhận định về khả năng xảy ra đổ vỡ, mất khả năng chi trả, rồi vỡ bong bóng bất động sản. Tuy nhiên, đánh giá thấy rằng bất động sản có tính hàng hóa thì ở nước ta quy mô nhỏ. Dư nợ trong lĩnh vực bất động sản, đến cuối tháng 5 là 220.000 tỷ đồng, giảm gần 7% so với thời điểm 31-12-2010. Giá bất động sản có suy giảm nhưng vào thời điểm cuối tháng 5-2011 vẫn cao hơn tháng 1-2010 và vẫn còn cao hơn giá thành tạo nên bất động sản. Do đó, giá bất động sản có xu hướng giảm nhưng vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn có khả năng trả nợ ngân hàng tuy lượng giao dịch giảm sút. “Qua đó, chúng tôi kết luận không có khả năng xảy ra vỡ bong bóng bất động sản mà chỉ ở mức độ xì hơi” - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định.