Quyết liệt điều trị, phòng chống dịch tiêu chảy cấp
(ANTĐ) - Bộ Y tế đã khuyến cáo rằng, bệnh nhân tiêu chảy cấp nếu được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi hoàn toàn tại các cơ sở y tế địa phương. Thế nhưng trong khi các bệnh viện lớn tuyến tỉnh, đặc biệt là tuyến Trung ương ngày càng quá tải thì các cơ sở y tế ban đầu, từ trạm y tế xã, phường cho đến trung tâm y tế dự phòng quận, huyện vẫn... vắng như chùa Bà Đanh.
>>>Khẩn cấp khống chế dịch tiêu chảy cấp
Số người mắc bệnh tiêu chảy cấp vẫn đang tăng mạnh. |
Trạm y tế vắng vẻ giữa mùa dịch bệnh
Đã có hơn 1.000 ca tiêu chảy cấp Đó là số liệu được đưa ra tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch tiêu chảy cấp diễn ra tại Bộ Y tế chiều qua (5-11). Cụ thể, trong ngày 5-11 cả nước đã có thêm 150 trường hợp dương tính với tiêu chảy cấp nguy hiểm. Tại Hà Nội, tổng số bệnh nhân tiêu chảy cấp tính đến 14h ngày 5-11 là 456 trường hợp, trong đó có 104 ca dương tính (tăng 40 trường hợp so với ngày 4-11). Một số quận, huyện có số bệnh nhân tăng nhanh là Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Đống Đa. Tại Hà Tây, dịch tiêu chảy cấp đã xuất hiện tại 12/14 huyện.Tại các BV, số bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm Quốc gia trong ngày 5-11 tiếp nhận thêm 60 ca, tổng số bệnh nhân là 298 ca, trong đó có 211 ca dương tính với tiêu chảy cấp nguy hiểm. Viện Quân y 103 có 32 bệnh nhân tiêu chảy cấp, BV này đã dành toàn bộ 2 tầng của khoa truyền nhiễm để thu dung, điều trị bệnh nhân tiêu chảy cấp. Diễn biến dịch càng lúc càng phức tạp. Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, ngày hôm qua thì nguyên nhân nguồn lây bệnh đã có sự biến đổi đáng kể: 66% liên quan đến mắm tôm, rau sống 38%, các nguồn thực phẩm khác như thịt lợn cũng đã được liệt kê vào danh sách nguồn phát bệnh. Trong 32 ca bệnh tiêu chảy cấp điều trị ở Viện Quân y 103 cũng chỉ có duy nhất một ca có liên quan đến mắm tôm. Dấu hiệu nguồn lây bệnh đã nhiễm vào nguồn nước cũng ngày càng nghiêm trọng, khiến cho nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn. Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn chỉ đạo các Tiểu ban phòng chống dịch Quốc gia phối hợp với các Sở ban ngành liên quan phải tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống, dập dịch. Đặc biệt công tác tuyên truyền phải đẩy mạnh hơn nữa, vì để khống chế được dịch thì ý thức người dân là số một. Tiến Hưng |
Đến xã Song Phương và Đức Giang (huyện Hoài Đức - Hà Tây), vôi bột phủ trắng khắp nơi, từ cống rãnh, gốc cây đến các ao, hồ. Đây là hai xã có số bệnh nhân tiêu chảy cấp đông nhất huyện với hơn 30 trường hợp. Thế nhưng có một nghịch cảnh là trạm y tế xã của 2 xã này đều trong tình trạng đìu hiu.
Cô Nguyễn Thị Thoa - Dược tá Trạm Y tế xã Đức Giang cho biết, ngay từ khi xuất hiện bệnh nhân tiêu chảy cấp đầu tiên ở xã, BV tỉnh Hà Tây, Trung tâm y tế dự phòng huyện Hoài Đức đã cử bác sĩ trực tiếp xuống trạm y tế xã trực 24/24 giờ để sẵn sàng thu dung và điều trị bệnh nhân tiêu chảy cấp. Sở Y tế tỉnh cũng cử cán bộ xuống huấn luyện công tác điều trị bệnh theo phác đồ của Bộ Y tế.
Thế nhưng phần lớn người dân khi mắc bệnh lại lên thẳng bệnh viện tỉnh hoặc Trung ương để điều trị. Thậm chí có nhiều người còn dùng lá khổ sâm để tự điều trị. Toàn xã có hơn 20 trường hợp tiêu chảy cấp nhưng số bệnh nhân tiêu chảy cấp đến điều trị tại trạm y tế xã chưa đến 5 người.
Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Tây khẳng định, để đảm bảo công tác phòng chống dịch Sở Y tế Hà Tây đã lên phương án chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị để cung ứng cho các huyện thu dung, điều trị bệnh nhân tiêu chảy cấp, tránh hiện tượng bệnh nhân dồn hết lên tuyến tỉnh, tuyến Trung ương khiến nguy cơ lây dịch càng tăng mạnh. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cứ lên thẳng BV tỉnh, Trung ương khiến công tác khoanh vùng, kiểm soát dịch trở nên rất phức tạp.
Tại Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm Quốc gia, trước tình trạng Viện quá tải, Ban lãnh đạo BV đã liên hệ chuyển bớt bệnh nhân tiêu chảy cấp sang các BV của Hà Nội như Đống Đa, Thanh Nhàn, thế nhưng không có bệnh nhân nào chịu chuyển nên BV cũng đành chịu.
Bệnh có thể điều trị khỏi tại y tế cơ sở
Ông Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dịch tiêu chảy cấp thực ra đã xuất hiện từ lâu, năm nào cũng có. Năm nay dịch diễn biến rầm rộ và phức tạp hơn.
Thực ra không phải tất cả các bệnh nhân bị tiêu chảy đều là tiêu chảy cấp nguy hiểm, tuy nhiên trong mùa dịch tất cả các trường hợp tiêu chảy thông thường hoặc nghi mắc hoặc tiêu chảy cấp đều được thu dung điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, do đó dẫn đến hiện tượng BV quá tải.
Nếu phân loại được bệnh nhân ngay từ đầu thì chắc chắn sẽ có một số lượng lớn bệnh nhân tiêu chảy chỉ cần điều trị ngay tại tuyến cơ sở, trạm y tế xã phường chứ không nhất thiết phải lên BV Trung ương.
Thậm chí có những ca tiêu chảy cấp “mạch không, huyết áp không”, Trung tâm Y tế dự phòng tuyến huyện vẫn có thể điều trị được. Chỉ những ca bệnh nặng mới phải chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời.
Duy Tiến