Quy hoạch vùng: Đừng để các địa phương "trăm hoa đua nở"

ANTD.VN - Đề cập vấn đề quy hoạch phát triển vùng, ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) kiến nghị Nhà nước phải là chủ thể thực hiện quy hoạch tổng thể trên phạm vi cả nước, không nên để mỗi địa phương, tỉnh tự quy hoạch dễ dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”.

Ngày 2-11, Quốc hội dành toàn bộ thời gian thảo luận ở hội trường về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Trong phiên thảo luận sáng nay, các ĐB tập trung góp ý về quy hoạch vùng, đầu tư giáo dục, chính sách kinh tế xã hội với đồng bào thiểu số, cải thiện môi trường kinh doanh, siết chặt ngân sách, quản lý nợ công...

Đề cập tới vấn đề kinh tế xã hội với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng dù thời gian qu, Đảng và Nhà nước dành nhiều sự quan tâm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Thống kê năm 2015 đối với 53 dân tộc thiểu số cho thấy, cả nước có hơn 3 triệu hộ, hơn 13 triệu dân, trong đó 90% sống ở nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo 23%, cao gấp hơn 3 lần tỷ lệ chung của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người mỗi năm của nhóm dân tộc thiểu số chỉ bằng 40% cả nước. 21% người dân tộc thiểu số không thể đọc và viết được một câu bằng tiếng phổ thông. “Đất nước đang phát triển và hội nhập sâu rộng với quốc tế, vì vậy đừng để đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số tụt lại phía sau”, ĐB Xuân nói.

ĐB Cao Đình Thưởng phát biểu tại hội trường

Về quy hoạch phát triển vùng, ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) kiến nghị Nhà nước phải là chủ thể thực hiện quy hoạch tổng thể trên phạm vi cả nước, không nên để mỗi địa phương, tỉnh tự quy hoạch dễ dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”, quy hoạch dàn trải, thiếu đồng bộ, thiếu tính liên thông, liên kết, quy hoạch không hiệu quả gây thất thoát lãng phí, phát sinh nhiều bất cập trong triển khai. Lấy dẫn chứng ngay tại địa phương, do đánh giá không đầy đủ và thiếu thận trọng nên dự án cụm nhà máy sản suất nhiên liệu sinh học Ethanol (huyện Tam Nông, Phú Thọ) được khởi công từ 2008, dự kiến đi vào hoạt động năm 2010 với tổng mức đầu tư ban đầu là 1.385 tỷ đồng nhưng đến nay qua 4 lần điều chỉnh với số vốn lên tới 2.484 tỷ đồng nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành và nhiều khả năng “đắp chiếu”, nguy cơ phá sản cao, ĐB Thưởng đề nghị: “Việc quy hoạch và phê hoạch đầu tư cần cân nhắc thận trọng, phù hợp từng vùng, tạo động lực thúc đẩy cho nền kinh tế”.

Về cải thiện môi trường kinh doanh, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, ở nước ta còn nhiều rào cản, vì vậy cần rà soát tổng thể để tháo gỡ vấn đề này. Còn ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) kiến nghị, năm 2017 phải siết chặt kỷ luật ngân sách, quản lý nợ công. 

Trăn trở với đầu tư cho phát triển giáo dục, ĐB Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho rằng nhiều đề án cho giáo dục tới nay chưa được áp dụng, vốn vay ODA dành cho giáo dục thấp nhất trong 7 lĩnh vực được thống kê. ĐB Hùng đề nghị Quốc hội cần có những chính sách quan tâm, ưu đãi hơn nữa vì giáo dục là quốc sách hàng đầu.