Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động: Hoạt động chưa hiệu quả
(ANTĐ) - Mới đây Bộ LĐ-TB&XH đã có buổi báo cáo với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xung quanh việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Một trong những điểm nổi lên đó là quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước hiện nay đang ở tình trạng thu nhiều nhưng chi trả ít.
Công nhân lao động Việt Nam tại Malaysia |
Cụ thể, quỹ này được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập từ tháng 8-2007, mục đích nhằm phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước, nâng cao chất lượng nguồn lao động, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp. Tính đến hết năm 2009, số dư của quỹ là hơn 114 tỷ đồng, trong đó thu từ các doanh nghiệp và người lao động gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai năm gần đây Quỹ mới chi hỗ trợ số tiền trên 5 tỷ đồng, trong đó, tiền hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và thân nhân trên 600 trường hợp gặp rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài phải về nước, trên 120 thân nhân của lao động bị chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Trong khi đó cuối năm 2008 và 2009, rất nhiều người lao động và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế phải về nước trước thời hạn không nhận được sự hỗ trợ. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ LĐ- TB&XH cần làm rõ trách nhiệm việc vận hành Quỹ này.
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, công tác chỉ đạo, triển khai đối với thị trường xuất khẩu lao động vẫn còn bất cập, việc phối hợp xử lý những phát sinh giữa các cơ quan liên quan trong nước với cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài chưa hiệu quả. Trong đó Việt Nam cũng chưa có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động thực sự mạnh, phần lớn vẫn là quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít, nguồn nhân lực chưa thực sự mạnh nên hoạt động không hiệu quả. Một số doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng việc quản lý lao động làm việc ở nước ngoài, phát hiện và xử lý những vấn đề phát sinh đối với người lao động còn chậm và công tác quản lý hoạt động tuyển chọn lao động tại một số địa phương chưa chặt chẽ, vẫn còn hiện tượng một số tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài lừa đảo, thu tiền của họ...
Hiện nay cả nước có 167 doanh nghiệp có liên quan đến xuất khẩu lao động thì chỉ có khoảng 30% hoạt động có hiệu quả, 50% hoạt động trung bình, số còn lại là kém hiệu quả do hạn chế về năng lực hoặc do mới được cấp phép, đang trong giai đoạn đầu tư thăm dò thị trường, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi xin cấp phép hoạt động. Về phía người lao động, hiện nay vẫn là lao động phổ thông, tay nghề thấp chiếm tỉ lệ 50 - 60%... Đặc biệt, số lao động đi theo hợp đồng nhận thầu, trúng thầu và lao động công nghệ cao còn ít. Chất lượng nguồn lao động xuất khẩu vẫn còn thấp, ở một số thị trường đã xảy ra tình trạng lao động vô kỷ luật, đình công trái luật, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lao động Việt Nam và ảnh hưởng đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu lao động.
Theo đánh giá, một trong những rào cản lớn hiện nay đối với xuất khẩu lao động đó là sự chênh lệch về phí môi giới giữa các doanh nghiệp. Tình trạng bán giấy phép vẫn tràn lan; thủ tục vay vốn, ký quỹ tại các ngân hàng thương mại vẫn chưa theo chuẩn chung; việc thành lập nhiều chi nhánh ở các tỉnh, thành; giải quyết rủi ro cho người lao động vẫn còn nhiều bất cập... Nếu không có những điều chỉnh kịp thời thì chỉ tiêu xuất khẩu lao đông năm nay và các năm tiếp theo sẽ khó thực hiện và quyền lợi người lao động cũng khó cải thiện.
Huệ Chi