Quỷ dữ cũng không hèn hạ giết người mình yêu

ANTĐ - Dù nhân danh bất cứ việc gì mà hủy hoại người vô tội là hành vi của bản chất lưu manh. Giết người mình yêu khi không được đáp lại tình yêu là hành vi đê hèn, hiện thân của quỷ dữ.
Cô gái bị người yêu mình tạt xăng châm lửa đốt ở Đà Nẵng đã qua đời. 

Một cô gái xinh đẹp, chín chắn trong tình yêu đã trút hơi thở cuối cùng sau nhiều ngày vật vã với những vết thương do kẻ muốn yêu mình ra tay. Một chàng trai trong ngày cưới bị người yêu cũ nổ mìn trọng thương. Một cô gái khác bị kẻ cuồng yêu truy sát...

Tình yêu ư? Chắc chắn là không bởi tình yêu là nhiệm màu và luôn mong muốn người mình yêu được hạnh phúc. Đây là hiện thân của một tâm hồn bị què quặt, đê hèn và luôn muốn chiếm hữu.

Hèn hạ

Hàng ngàn bạn đọc cho rằng đây không phải là tình yêu mà chỉ là sự thất vọng vì không được chiếm hữu. Những kẻ thủ ác trên nhẫn tâm từ trong bản chất, không nhất thiết phải là yêu mà khi họ bị thất vọng trong việc khác thì sẽ có những hành vi dã man tương tự. Đây là biểu hiện rõ của một tâm hồn bệnh hoạn, hèn hạ. Họ không xứng đáng có được tình yêu và thật bất hạnh không kém cho ai nếu đáp lại tình yêu của họ.

Bất an với những cái chết trên, bạn đọc Trần Minh Việt thốt lên: Chỉ trong một tuần mà 2 cô gái trẻ chết thê thảm vì những gã si tình mất nhân tính. Kẻ thủ ác biết mình sẽ bị luật pháp trừng phạt, người đời phỉ nhổ nhưng chúng vẫn ra tay chứng tỏ tư tưởng bất cần đời. Xã hội ngày càng văn minh nhưng sao con ngày lại càng có nhiều người nhẫn tâm đến thế. Người dân lương thiện ngậm ngùi nhìn trộm cướp, bạo lực tràn lan mà lo sợ".
 
Lý giải phần nào của thực trạng, bạn đọc Mộc Lan cho biết: “Là con người với nhau sao nỡ đối xử với nhau tàn ác quá vậy. Ngày càng có nhiều vụ giết nhau một cách dễ dàng không cần biết đến hậu quả, chỉ thỏa mãn tình cảm tức thời. Không biết có phải đó là hệ quả của lối sống vội, thực dụng mà vô cảm của lớp trẻ ngày nay đang dần dần phát triển?”.

Nhìn nhận vấn đề ở một góc độ khác, bạn đọc Thanh Lâm cho rằng: Tình yêu với nhiều người quá dễ dãi, không phân định nổi tình cảm muốn có được người khác với tình yêu thật sự từ con tim mình. Nên khi không có được cái mình muốn thì cũng không muốn người khác có và biện pháp hèn hạ nhất là hủy nó đi. Đây là sản phẩm của sự giáo dục kém cỏi, của một tâm hồn bệnh hoạn, tôn sùng bản thân, nhưng lại không biết quý trọng bản thân và những điều tốt đẹp xung quanh”. 


Nhiều bạn đọc cho rằng yêu cũng phải học. Học những tình cảm cao đẹp từ trong giáo dục gia đình, ngoài xã hội và nhất là bản thân tự học những kỹ năng ứng xử xã hội, tự làm đẹp tâm hồn mình. Nếu không thì chính các bạn trẻ đã hạ thấp bản thân và có cách nhìn cuộc sống méo mó và tệ hại hơn là không bao giờ muốn và hiểu được tâm hồn của người khác, ngay cả những người mình muốn yêu. Điều này rất dễ thấy khi nhiều bạn trẻ khi yêu nhau thì lộ liễu bày tỏ nhưng chỉ cần giận nhau chút xíu là có thể “mày, tao” và tìm cách làm người khác tổn thương.


Tự hạ thấp nhân phẩm


Nhiều bạn đọc cho rằng cần xử thật nặng những hành vi này để có thể răn đe người khác. Nhưng nhiều bạn đọc có ý kiến ngược lại: việc xử lý nặng, thậm chí là tử hình chỉ là cách giải quyết phần ngọn của vấn đề. Những cách hành xử như thế thời nào cũng có. Điển hình cho việc này chính là vở bi kịch Othello của Shakespeare viết vào thế kỷ 16: Ngay cả viên tướng lừng danh Othello chỉ vì không tin vào lòng chung thủy đã ra tay giết chết vợ mình - nàng Desdemona xinh đẹp - rồi sau đó tự sát. Cái quan trọng là con người có đủ lý trí và tình cảm cao thượng để bao dung cho nhau.

 
Bạn đọc Hoàng Lan bức xúc: “Chưa nói là có tình cảm với nhau, chỉ là con người với nhau thôi sao có thể tàn ác đến vậy? Do xã hội, kinh tế hay giáo dục... có vấn đề. Chỉ trong vòng có vài ngày mà đã có đến hai cô gái bị giết chết bởi những tên thất tình hóa cuồng! Phải giải thích việc này thế nào đây? Pháp luật chắc sẽ dành những hình phạt cao nhất, thậm chí là tử hình đối với những hành vi như thế này nhưng liệu có ngăn chặn được khi mà chính con người không biết tôn trọng người khác, không trân trọng tình cảm giữa con người với nhau và đáng sợ hơn là không muốn hiểu những điều tốt đẹp của cuộc sống”.

  
Đặt mình vào góc nhìn toàn cảnh hơn, bạn đọc Thanh Huyền chia sẻ: “Mấy bữa nay toàn tin cướp, hiếp, giết, thấy mà buồn cho xã hội. Ra đường phố toàn thấy thanh niên mặc đồ đẹp thiệt đẹp, vi vút trên những chiếc xe thật đắt tiền, nhà hàng sang trọng thì chật khách... Người trong thành phố thì sẵn sàng lấy mạng nhau chỉ vì những lý do quá nhỏ. Trong khi nhiều trẻ em vùng xa thì chết thảm vì không biết chơi gì khi vào hè ngoài 1 bãi mìn và những hố nước. Có lẽ phần đông thanh niên thời buổi này đang bị mất định hướng để sống, không có lý tưởng để theo đuổi và hình như cũng không muốn làm cho tâm hồn mình thêm cao đẹp”.  

Dùng cái tâm để ứng xử với xã hội

“Chúng ta không nên cổ súy cho hình phạt theo kiểu "mắt trả mắt, răng trả răng". Sống trong một xã hội có pháp luật, chúng ta phải tôn trọng kỷ cương, pháp luật, mọi công dân vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo đúng pháp luật hiện hành. Xã hội nào cũng vậy. Vấn đề là, chúng ta phải tự mình trang bị kiến thức để đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra” - bạn đọc Sáu Nam.


Ta hay nói xã hội ngày càng văn minh nhưng đạo đức nhiều người rõ ràng là đã xuống cấp quá trầm trọng rồi: Học sinh đánh lại thầy cô; cha con, anh em ruột choảng nhau vì đất đai nhà cửa; cướp của giết người ngày càng loạn... Xã hội đã và đang tồn tại một lối sống vật chất chủ nghĩa, vô cảm hẹp hòi và ích kỷ hơn. Pháp luật có mạnh tay đến đâu cũng khó dẹp được vấn nạn này. Hãy giáo dục con người từ cái tâm và dùng cái tâm để ứng xử với xã hội” - bạn đọc Nam Khang.