Quy định pháp luật về việc thăm gặp phạm nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Con trai tôi vừa bị xét xử sơ thẩm trong một vụ án về kinh tế cùng với hơn 10 người khác và hiện vẫn bị tạm giam. Mới đây, gia đình tôi đến trại tạm giam để thăm gặp, động viên cháu nhưng cán bộ trại tạm giam nói chưa được. Xin hỏi luật sư, quy định pháp luật về việc thăm gặp phạm nhân như thế nào? Đoàn Văn Khương (Quảng Ngãi)

Người bị tạm giữ, tạm giam có các quyền được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự (Ảnh minh họa)

Người bị tạm giữ, tạm giam có các quyền được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự

(Ảnh minh họa)

Luật sư Đặng Văn Sơn trả lời:

Theo quy định tại Điều 3, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 thì: “Người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.

Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại”.

Tại điểm d, khoản 1, Điều 9, Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ năm 2015 cũng quy định: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền: Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự”. Như vậy, theo quy định thì người bị tạm giam, tạm giữ có quyền được gặp thân nhân - người thân khi đang áp dụng chế độ quy định tại luật này. Tương tự, Điều 22 của luật này quy định về việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng Luật sư Đặng Sơn và Cộng sự; Số 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng Luật sư Đặng Sơn và Cộng sự; Số 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Hà Nội)

Cụ thể là: “Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ. Người đến thăm gặp phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong trường hợp là thân nhân của họ. Việc thăm gặp phải chịu sự giám sát, theo dõi chặt chẽ của cơ sở giam giữ; không làm ảnh hưởng đến các hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền; tuân thủ quy định về thăm gặp; trường hợp cơ quan thụ lý vụ án có yêu cầu thì phối hợp với cơ sở giam giữ để giám sát, theo dõi việc thăm gặp. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm thăm gặp; thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án về việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì người thân có thể thăm gặp người đang bị tạm giam, tạm giữ nhưng phải trong điều kiện phù hợp và được sự đồng ý của Thủ trưởng cơ sở giam giữ. Việc thăm gặp người đang bị tạm giam, tạm giữ hiện nay hầu hết các địa phương đều thực hiện. Tuy nhiên như bạn trình bày, con bạn đang bị tạm giam và gia đình bạn không được thăm gặp thì đó là trường hợp khá hy hữu. Rất có thể do điều kiện cơ sở vật chất ở tại trại tam giam này chưa thật sự đảm bảo cho việc thăm gặp.