Quy định nổ súng không nên làm khó người thi hành công vụ

ANTD.VN - Đối tượng nào sẽ được trang bị vũ khí, trường hợp nào người thi hành công vụ được phép nổ súng, lực lượng nào được sản xuất vũ khí... là 3 vấn đề làm “nóng” nghị trường Quốc hội trong phiên thảo luận dự án Luật quản lý, sử dụng vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, ngày 2-6.

Phó Giám đốc CATP Hà Nội Đào Thanh Hải phát biểu thảo luận

Băn khoăn quy định về trường hợp nổ súng, cụ thể: “Người thi hành công vụ không được nổ súng nếu đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến sức khỏe nhưng không phải là tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác”, ĐB Võ Đình Tín (đoàn Đắk Nông) cho rằng không hợp lý.

“Sức khỏe cũng là một trong những yếu tố quan trọng và liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, cần được pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó, khi đặt trong tình thế nguy hiểm và cấp bách thì người thi hành công vụ không có đủ thời gian, không có đủ minh mẫn để xác định rõ được trường hợp nào họ hoặc người khác đang bị đe dọa tính mạng hay chỉ bị gây nguy hiểm đến sức khỏe”, ĐB Võ Đình Tín phân tích.

Khó xác định trong khi khẩn cấp

Đề cập tới các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, ĐB Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) phân vân với một số quy định buộc người nổ súng phải phân biệt được đối tượng là phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần... thì mới được nổ súng.

“Quy định này làm khó người thi hành công vụ và không phù hợp với thực tiễn, bởi việc xác định đối tượng phạm tội mức độ nào cần phải trải qua quá trình từ điều tra đến xét xử, tuyên án. Vậy mà trong tình thế khẩn cấp lại đi buộc người thi hành công vụ phải xác định rõ ràng không   hợp lý”, ĐB Phan Thái Bình phân tích.

Với phần quy định về vũ khí thô sơ trong dự luật này, ĐB Giàng A Chu (đoàn Yên Bái) cho rằng, quy định này vẫn chưa xét tới vấn đề văn hóa, bởi hiện nay ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn có phong tục sử dụng súng vì mục đích văn hóa, như tập quán dùng tiếng súng nổ để báo khi có đám hiếu, tang lễ.

“Nếu quy định như dự luật thì người nào bắn súng kíp trong đám hiếu theo phong tục cũng là vi phạm luật, bị bắt hết. Hơn nữa, ở vùng dân tộc thiểu số, bao năm nay người dân thường vẫn có một khẩu súng kíp trong nhà để tự vệ khỏi thú rừng, không gây nguy hiểm cho xã hội. Giờ nếu cấm dân sử dụng súng kíp như vậy e là bà con khó tán thành”, ĐB Giàng A Chu nói.

Tranh luận lại ý kiến trên, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho biết nước ta có 54 dân tộc, rất nhiều văn hóa khác nhau, phong tục tập quán khác nhau. Một mặt cần bảo tồn nhưng mặt khác, rất nhiều phong tục tập quán cũng phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. “Chúng tôi rất chia sẻ với băn khoăn của ĐB, nhưng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tuyên truyền vận động để bà con thực hiện chính sách mới của luật”, ĐB Nguyễn Thanh Hồng kiến nghị.

Bộ Công an có hệ thống công nghiệp an ninh rất tốt

Trong phiên thảo luận, các đại biểu có nhiều ý kiến khác nhau về Điều 17 - Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí của dự thảo luật, trong đó đưa ra 2 phương án: Phương án 1 cho phép các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đủ điều kiện được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí. Còn phương án 2 chỉ cho phép các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng đủ điều kiện.

Về vấn đề này, ĐB Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc CATP Hà Nội nêu quan điểm chọn phương án 1 là phù hợp với tình hình thực tế. Phó Giám đốc CATP Hà Nội phân tích: “Việc này chính là cụ thể hóa Điều 68 - Hiến pháp 2013 về việc xây dựng Quốc phòng, an ninh và những quy định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trong đó đều giao nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Mặt khác, thời gian qua Bộ Công an đã làm rất tốt công tác nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất nhập khẩu vũ khí, phục vụ tốt cho lực lượng Công an trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Và trong thực tế, Bộ Công an đang có sẵn hệ thống công nghiệp an ninh đang hoạt động rất tốt và hiệu quả”.

Đồng tình cao với ý kiến trên, ĐB Bùi Mậu Quân (đoàn Hải  Dương) cho rằng, chủ trương của Đảng là xây dựng lực lượng Công an chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. “Muốn thế phải chủ động trong việc mua sắm, sản xuất vũ khí. Thực tế hiện nay, Bộ Công an đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất các loại vũ khí phù hợp với lực lượng Công an. Nhiều lực lượng khác như Kiểm lâm, Hải quan, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát… cũng đang sử dụng các vũ khí từ nguồn cung này”, ĐB Bùi Mậu Quân nói. Bày tỏ tán thành, ĐB Phan Thái Bình đề xuất thêm: “Đối với các loại vũ khí mà Công an sản xuất được nhưng Quốc phòng không sản xuất được thì nên đặt hàng Công an chứ không nhập khẩu và ngược lại”.

Tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an  Tô Lâm cho biết, trong quá trình xây dựng dự án luật đã nhận được những ý kiến đóng góp xác đáng, sâu sắc của các đại biểu vào dự án luật, giúp ban soạn thảo có cách nhìn toàn diện, từ đó có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. “Ban soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, tiếp thu chỉnh lý dự án luật để trình Quốc hội thông qua vào ngày 20-6 tới”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.