"Người thân liệt sỹ mà biết quy định luật thế này thì họ tủi thân lắm"

ANTD.VN - "Cha, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sỹ là đối tượng có công với cách mạng, vậy mà giờ phải đi xin xác nhận khó khăn tài chính mới được trợ giúp pháp lý thì bất cập quá. Họ nghe được quy định này của dự luật chắc tủi thân lắm", đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) chia sẻ.

Sáng 1-6, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Tại báo cáo, có ý kiến đề nghị bỏ quy định điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý, có ý kiến đề nghị giao địa phương căn cứ vào tình hình thực tế quy định điều kiện khó khăn về tài chính. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết để bảo đảm sự thống nhất, minh bạch, kịp thời về chế độ chính sách đối với người được hưởng trợ giúp pháp lý trong việc áp dụng điều kiện được hưởng trợ giúp pháp lý thì việc giao Chính phủ quy định là hợp lý. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể điều kiện khó khăn về tài chính cho phù hợp với từng thời kỳ. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo luật.

Về hỗ trợ thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình tại các huyện nghèo, xã nghèo, có ý kiến đề nghị bổ sung một điều quy định việc hỗ trợ kinh phí của ngân sách trung ương cho địa phương còn khó khăn chưa tự cân đối được ngân sách cho hoạt động trợ giúp pháp lý. 

Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định theo hướng: Ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình cho các huyện nghèo, xã nghèo tại các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách.

Tham gia thảo luận tại hội trường, các quy định liên quan đối tượng được trợ giúp pháp lý nhận được sự quan tâm, góp ý của nhiều ý kiến của đại biểu.

Đồng tình việc cần thiết phải mở rộng đối tượng, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng việc mở rộng tới đâu phải có căn cứ, có nguồn lực, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện riêng biệt của đất nước.

Trong khi đó, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa Vũng Tàu) cho rằng đối tượng người khuyết tật (khoản b, điều 7 dự thảo luật) vốn đã được hưởng trợ lý pháp lý theo quy định Luật Người khuyết tật 2010 nên không cần bổ phải có yếu tố khó khăn về tài chính mới được trợ giúp pháp lý theo dự thảo luật này, đề nghị sửa đổi để không bị chồng chéo.

Tương tự, đối tượng là cha, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sỹ (khoản c, điều 7 dự thảo luật) là những người có công với đất nước nên không cần phải có yếu tố khó khăn về tài chính mới được trợ giúp.

Đại biểu Nguyễn Văn Quyền phát biểu.

"Cha, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sỹ là đối tượng có công với cách mạng, vậy mà giờ phải đi xin xác nhận khó khăn tài chính mới được trợ giúp pháp lý thì bất cập quá. Họ nghe được quy định này của dự luật chắc tủi thân lắm", đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) chia sẻ sự đồng tình với ý kiến trên.

Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý gồm 8 chương 51 điều, quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý.

Ngày 20-6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua luật này.

Điều 7. Người được trợ giúp pháp lý

1. Người có công với cách mạng.

2. Người thuộc hộ nghèo.

3. Trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng. 

4. Người dân tộc thiểu số thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo. 

7. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:

a) Người cao tuổi;

b) Người khuyết tật;

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ;