Quy định hiện hành về những bị can được tại ngoại khi bị khởi tố hình sự

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Thời gian qua, cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một số vụ việc khá nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận. Song, ngoài những bị can bị tạm giam thì cũng có không ít người được tại ngoại. Xin luật sư cho biết, quy định hiện hành về tại ngoại ra sao, những trường hợp nào được tại ngoại khi bị khởi tố? Đào Mạnh Dương (Quảng Ninh)

Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của bị can mà người này hoặc người thân thích của họ có thể đặt tiền để bảo đảm và bảo lãnh thay thế tạm giam

Luật sư trả lời: Tại ngoại là việc người bị khởi tố không bị tạm giam nên mặc dù chưa được pháp luật quy định cụ thể nhưng điều kiện để tại ngoại có thể được hiểu là điều kiện để không bị tạm giam. 

Điều 119, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định một người sẽ bị tạm giam nếu:

Tội phạm gây ra có thể là tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng;

Nếu là tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng có hình phạt tù trên 2 năm khi: Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;  Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội...

Như vậy, khi mức độ của hành vi phạm tội chưa đến mức phải tạm giam như quy định trên và việc cho người này tại ngoại không gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể  xem xét cho họ được tại ngoại.

Cũng theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đặt tiền để bảo đảm và bảo lĩnh là 2 biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, cơ quan có thẩm quyền quyết định cho đối tượng này được tại ngoại mà không phải tạm giam.

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Để bị can được bảo lãnh thì người đứng ra bảo lãnh có thể là người thân thích hoặc là tổ chức, cơ quan mà bị can là người của tổ chức, cơ quan đó. Theo đó, người thân phải có ít nhất 2 người và phải đáp ứng các điều kiện: Là người đủ 18 tuổi trở lên; Có nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; Có thu nhập ổn định, đủ điều kiện quản lý người được bảo lĩnh; Có giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập... Nếu là cơ quan, tổ chức thì phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó.

Về biện pháp đặt tiền để bảo đảm, Điều 122, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nêu rõ, căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can mà người này hoặc người thân thích của họ có thể đặt tiền để bảo đảm.