Quốc hội thảo luận về sửa đổi Hiến pháp

ANTĐ - Chiều qua, 15-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các ĐBQH đã nhất trí cao việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phù hợp hơn với bối cảnh kinh tế, xã hội hiện nay là cần thiết, tuy nhiên cần phải làm thận trọng, chắc chắn. 

Liên quan đến nội dung quyền công dân và quyền con người, quyền lực của Nhà nước… ĐBQH Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) góp ý, trong bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định tất cả quyền lực của Nhà nước là quyền lực của nhân dân, nên sửa thành tất cả quyền lực thuộc về nhân dân vì như vậy sẽ đúng bản chất hơn. Về quyền con người, không nên quy định quyền con người và quyền công dân trong cùng một điều luật.

ĐBQH Nguyễn Doãn Khánh (đoàn Phú Thọ) cho rằng, bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 vẫn còn một số vấn đề hạn chế như chưa thể hiện được vai trò độc tôn của Quốc hội trong lập hiến, lập pháp, không thể hiện được quyền lực giám sát của HĐND trong mối quan hệ với chính quyền.

Tương tự, ĐBQH Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) bày tỏ quan điểm cơ bản đồng tình với 9 nội dung cần sửa đổi trong Hiến pháp 1992, song một số quy định về quyền con người, mô hình tổ chức các cơ quan quyền lực địa phương… cần phải thể hiện rõ hơn.

Ngoài ra, một số ĐBQH cũng góp ý về khái niệm, vị trí và trách nhiệm của ĐBQH được đưa ra trong dự thảo sửa đổi; quy định về hình thức sở hữu toàn dân; vai trò của kinh tế tập thể; cân nhắc quy định nghiêm cấm các loại hình giáo dục vì lợi nhuận… Hôm nay, 16-11, Quốc hội sẽ dành cả ngày để tiếp tục thảo luận về việc sửa đổi Hiến pháp.