Quốc hội thảo luận Bộ luật lao động (sửa đổi), ''nóng'' vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu

ANTD.VN - Ở tuần làm việc tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó vấn đề được nhiều ĐBQH cũng như dư luận quan tâm nhất là quy định nâng tuổi nghỉ hưu của cả lao động nam và nữ...

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi trả lời báo chí về đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu

Theo chương trình làm việc dự kiến của kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến vào một số dự thảo luật và thảo luận về tình hình kinh tế xã hội.

Cụ thể, ngày mai, 27-5, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, sau đó thảo luận về nội dung này tại hội trường.

Ngày 28-5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Ngày 29-5, Quốc hội thảo luận về phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; đồng thời cho ý kiến vào dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Ở 2 ngày làm việc cuối cùng trong tuần (30-5, 31-5), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019...

Theo đánh giá của một số ĐBQH, phiên thảo luận về Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Quốc hội trong tuần tới đây chắc chắn không chỉ làm “nóng” nghị trường mà còn thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, bởi đây là bộ luật ảnh hưởng đến tất cả người lao động.

Hơn nữa, lần sửa đổi bộ luật lần này gần như toàn diện, với nhiều nội dung mới, nhạy cảm chưa có trong tiền lệ, đặc biệt là vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu. Cụ thể, trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Ban soạn thảo  đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi với nữ, thực hiện tăng dần theo lộ trình từ năm 2021. 

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, hiện có một số ý kiến nói rằng tăng tuổi nghỉ hưu chỉ có lợi cho những cán bộ lãnh đạo, người có chức có quyền. Tuy nhiên theo ông, quan niệm như vậy là không hợp lý, bởi thực tế tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng đồng nghĩa sức lao động cũng tăng.

Tương tự, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ, người dân nên tránh hoang mang, vì không phải cứ nói nâng tuổi nghỉ hưu là nâng ngay và ai cũng phải tăng thời gian làm việc.

 “Bản chất tuổi nghỉ hưu hiện nay dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra chỉ có điểm khác là nâng lên đến 62 với nam và 60 với nữ. Nhưng tăng tuổi nghỉ hưu đi theo lộ trình mỗi năm tăng vài tháng chứ không phải tăng ngay trong năm 2021”  - ĐB Bùi Sỹ Lợi phân tích.

Dù vậy, ông Lợi cũng cho rằng, để người lao động cả nước yên tâm, Chính phủ nên giao Bộ LĐ-TB&XH, Y tế xác định đâu là ngành nghề bị suy giảm khả năng lao động, đâu là ngành nghề bị tác động bởi yếu tố điều kiện lao động, ảnh hưởng sức khỏe, từ đó có các danh mục ngành nghề,  lĩnh vực nào được giảm tuổi nghỉ hưu.