Quên đi bệnh tật để hết mình với công tác xã hội từ thiện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phòng khám Đông y Từ Tâm Phúc Thiện Đường chữa bệnh miễn phí cho người nghèo dù mới đi vào hoạt động được gần 2 tháng, nhưng đã khám chữa bệnh cho hơn 1.000 bệnh nhân. Đó chính là ước mơ ấp ủ bao năm của bà Phan Thị Bính…

Phòng khám dành cho người nghèo

Chỉ có địa chỉ mà không có số điện thoại hẹn trước, nhưng tôi vẫn đánh liều đến nhà riêng bà Phan Thị Bính (66 tuổi) tại căn chung cư ở bán đảo Linh Đàm thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Thật may, người ra mở cửa đón tôi chính là bà Bính. Nở nụ cười hiền hậu, bà bảo: “Tôi lại phải về Hưng Yên bây giờ đây. Mỗi tháng tôi chỉ lên Hà Nội 1 ngày để truyền hóa chất rồi lại về quê luôn”.

Bà Phan Thị Bính mở phòng khám đông y khám miễn phí cho người nghèo

Bà Phan Thị Bính mở phòng khám đông y khám miễn phí cho người nghèo

Mấy tháng nay, bà Bính sống ở Hưng Yên để duy trì phòng khám. Đã gần 66 tuổi, lại mang trong mình trọng bệnh, không ai nghĩ rằng bà có thể làm được nhiều việc thiện như thế. Ấp ủ mở phòng khám Đông y khám miễn phí cho người nghèo từ năm 2019, nhưng do dịch Covid-19 nên đến nay tâm nguyện của bà mới trở thành hiện thực. Phòng khám Từ Tâm Phúc Thiện Đường tại địa chỉ xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, Hưng Yên mới bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu tháng 9-2022, nhưng đến nay đã khám chữa bệnh miễn phí cho hơn 1.000 bệnh nhân. Bà Bính dù đang bị ung thư di căn, tháng nào cũng phải lên Hà Nội truyền hóa chất nhưng vẫn quán xuyến mọi việc của nhà thuốc.

Ghi nhận những đóng góp thiện nguyện của bà Phan Thị Bính, năm 2019 và 2020, UBND TP Hà Nội đã trao tặng bằng khen và huy hiệu “Người tốt việc tốt” cho bà. Năm 2021, bà được chọn là một trong 10 Công dân ưu tú của Thủ đô. Mới đây, ngày 10-10-2022, bà vinh dự được UBND TP mời dự Hội nghị tổng kết 30 năm phong trào thi đua “Người tốt việc tốt”.

Để có kinh phí làm việc này gồm châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, bốc thuốc, bà phải bán mảnh đất trong Đà Nẵng. Cảm động tấm lòng thiện nguyện của bà, nhiều người từ tận An Giang tình nguyện ra Hưng Yên để giúp bà, trong đó có bác sĩ, y sĩ chuyên về bắt mạch, bốc thuốc, xoa bóp, châm cứu…. “Chỉ có mình tôi là người Hà Nội, còn lại đều là người An Giang. Mọi người bảo thương tôi một mình, lại bị bệnh, nên họ chung tay giúp. Phòng khám từ hôm mở cửa ngày nào cũng đông nghịt bệnh nhân. Nhiều người nghèo, không có tiền đi viện nên cứ âm thầm chịu đau. Nhưng khi đến đây được bắt mạch, châm cứu, đắp thuốc, xoa bóp, bệnh thuyên giảm thì rất mừng. Đó chính là nguồn động lực để chúng tôi cố gắng phục vụ bà con tốt hơn” - bà Bính tâm sự.

20 năm làm thiện nguyện

Bà Bính bắt đầu làm công tác từ thiện từ hơn 20 năm trước. Vì biến cố gia đình, bà thường đi theo đoàn Phật tử đi lễ bái nhiều nơi. Lên vùng cao nhìn những đứa trẻ co ro giữa cái lạnh, bà về gom quần áo cũ mang lên tặng. Năm 2018, đọc báo thấy có trường hợp trên Sơn La vì không có tiền thuê xe cứu thương nên người nhà phải chở thi thể bệnh nhân về bằng xe máy, rồi một em bé 6 tháng vì gia đình không có tiền thuê xe cấp cứu mà không may mất giữa đường khiến bà ám ảnh. Bà Bính nghĩ, nếu có xe chở miễn phí bệnh nhân nghèo thì sẽ rất thiết thực, san sẻ bớt khó khăn cho họ và cũng kịp thời giảm bớt những đau thương có thể xảy ra. Nghĩ là làm, bà lặn lội vào tận An Giang nghiên cứu mô hình xe cứu thương miễn phí tại đây.

Bà quyết định bán đi mảnh đất gần 1 tỷ đồng để lấy tiền mua xe cứu thương đưa đón bệnh nhân nghèo

Bà quyết định bán đi mảnh đất gần 1 tỷ đồng để lấy tiền mua xe cứu thương đưa đón bệnh nhân nghèo

Trở ra Hà Nội, bà quyết định bán đi mảnh đất gần 1 tỷ đồng để lấy tiền mua xe cứu thương. Để chiếc xe đi vào vận hành đúng mục đích, bà phải làm việc với Phòng Công tác xã hội tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, đặt vấn đề kết nối, đưa đón bệnh nhân khi họ cần. Ban đầu, có vợ chồng anh Mai Văn Toàn ở An Giang tình nguyện ra Hà Nội giúp bà, làm lái xe không lương. Sau đó, nhiều người cũng xin vào đội lái xe miễn phí giúp bệnh nhân nghèo. Đến nay, sau hơn 4 năm mua xe cứu thương, bà và nhóm thiện nguyện đã vận chuyển hàng trăm lượt bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, dù ban đầu nhiều người cho rằng bà lừa đảo, lấy tiền của người bệnh. Khi dịch Covid-19 bùng phát, bà bàn giao xe cứu thương cho Ban Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 quận Hoàng Mai mượn để phục vụ đưa đón bệnh nhân và vận chuyển máy móc miễn phí.

Nhận thấy nhiều bệnh nhân nghèo về Hà Nội chữa bệnh thường ăn bánh mì cho qua bữa, năm 2019, bà tổ chức bếp ăn từ thiện miễn phí cho các bệnh nhân tại nhiều bệnh viện. Cũng trong năm 2019, bà và nhóm thiện nguyện còn hỗ trợ thay thủy tinh thể miễn phí cho 400 người ở Bệnh viện Mắt Hà Nội. Để mang lại hiệu quả cao nhất cho người bệnh, bà còn tìm hiểu thay thủy tinh thể loại nào tốt, của nước nào tốt. “Kinh phí làm việc này tôi không phải bán đất mà rút tiền tiết kiệm của gia đình. Các con tôi cũng ủng hộ một phần” - bà Bính cho biết.

Tấm lòng rộng mở

Năm 2020 và 2021, khi lũ lụt tại miền Trung diễn ra phức tạp. Dù nằm trên giường bệnh bà vẫn muốn chung tay đóng góp hàng hóa cứu trợ. Bà gọi điện đi các nơi đặt mua nhu yếu phẩm, vận động bà con quyên góp quần áo. “Lúc đang lũ lụt tôi sẽ không đi vì làm sao vào được tận nơi. Sau khi lũ rút, xe vào được những vùng sâu vùng xa, tôi mới tổ chức cho các bạn trẻ mang hàng hóa đến. Có như thế hàng hóa mới đến được tận tay người dân. Làm thiện nguyện nhiều nên tôi cũng nhiều kinh nghiệm lắm” - bà hào hứng nói. Dù làm từ thiện đã nhiều năm nhưng không bao giờ bà Bính đứng ra kêu gọi quyên góp tiền. Bà bảo, bà sợ những lời ác ý, chỉ muốn làm từ thiện thật tâm nên nếu có quyên góp thì chỉ xin quần áo cũ, sách vở cũ, chứ không bao giờ đi xin tiền. Cuối năm 2020, bà còn tham gia đồng tài trợ xây một ngôi trường và một cây cầu ở tỉnh An Giang. Năm 2021, bà tham gia xây một điểm trường cho học sinh dân tộc Vân Kiều ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Trong suốt thời gian hoạt động thiện nguyện, tất cả số tiền đều do bà Bính tự nguyện bỏ ra với sự đồng ý, ủng hộ của gia đình. Nói về nguồn kinh phí này, bà cho biết: “Tôi may mắn mua được vài miếng đất từ xưa, giờ đây bán đi thì có lãi, tôi dùng chính tiền đó để đi làm từ thiện. Tôi vẫn bảo với các con, đấy là tiền trời Phật cho chứ cũng không phải của mẹ. Tôi có 3 đứa con thì 2 cháu đều đã trưởng thành, đi làm, nên cũng đóng góp cùng tôi làm từ thiện. Chồng tôi đã mất nên toàn bộ thời gian tôi dành để theo đuổi việc này”. Ngay trong lúc trò chuyện với chúng tôi, bà Bính vẫn điều hành mọi việc qua điện thoại. Bà gọi điện về phòng khám chỉ đạo mọi việc, rồi lại gọi đến các tổ trưởng tổ dân phố đã cùng làm việc nhiều năm nhờ quyên góp quần áo cũ để sắp tới lên miền núi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Ghi nhận những đóng góp thiện nguyện của bà Phan Thị Bính, năm 2019 và 2020, UBND TP Hà Nội đã trao tặng bằng khen và huy hiệu “Người tốt việc tốt” cho bà. Năm 2021, bà được chọn là một trong 10 Công dân ưu tú của Thủ đô. Mới đây, ngày 10-10-2022, bà vinh dự được UBND TP mời dự Hội nghị tổng kết 30 năm phong trào thi đua “Người tốt việc tốt”.