Ngày làm việc thứ 5, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII:

Quan tâm hơn nữa đến lực lượng công an

ANTĐ - Ngày 26-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Bên cạnh đó, công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và công tác thi hành án, đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cũng được các ĐBQH bàn tới trong ngày làm việc hôm qua.

Tăng cường đầu tư nguồn nhân lực, điều kiện vật chất cho

lực lượng công an để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn

Một trong những nội dung chính được các ĐBQH thảo luận rất sôi nổi, đó là giải pháp chung để ngăn chặn, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật. Theo đó, các ĐB đề nghị cần nâng cao năng lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp. Cho rằng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của các cơ quan này còn quá eo hẹp, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) kiến nghị cần tăng cường đầu tư nguồn nhân lực, kinh phí, điều kiện vật chất cho cơ sở. Đồng tình với ý kiến trên, các ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến chính sách đãi ngộ cho lực lượng công an, nhất là công an xã vì đây là lực lượng trực tiếp tham gia đấu tranh, phòng ngừa, tấn công tội phạm.

Quan ngại về diễn biến phức tạp của một số loại tội phạm, nhiều ĐBQH cho rằng tội phạm liên quan đến lĩnh vực TTQLKT&CV đang có chiều hướng tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho các tổ chức, cá nhân và đất nước. Về vấn đề này, ĐB Đặng Thị Yến (Long An) cho rằng sự đổ vỡ của các doanh nghiệp dẫn đến phá sản và công nhân thất nghiệp gia tăng, cho đến các vụ lừa đảo tín dụng... là hệ quả phụ của chính sách siết chặt tín dụng. “Nếu tiếp tục chính sách siết chặt tín dụng, có thể sẽ gia tăng tội phạm” - ĐB Đặng Thị Yến nhận định.

Nhấn mạnh về mức độ nghiêm trọng do loại tội phạm về TTQLKT&CV gây ra, ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn chứng về thiệt hại trong một số vụ án kinh tế gần đây lên đến 3 nghìn tỷ đồng, so với số thu ngân sách của một số địa phương chỉ từ 250-300 tỷ đồng là quá lớn. Một số loại tội phạm, tệ nạn khác như tham nhũng, tội phạm chống người thi hành công vụ, tội phạm có tổ chức, tệ nạn cờ bạc ở khu vực các tuyến biên giới, tội phạm môi trường và vi phạm TTATGT, cũng được các ĐBQH đánh giá có tác động nghiêm trọng đến đời sống kinh tế xã hội trong tình hình hiện nay.

Bên cạnh những diễn biến phức tạp của các loại tội phạm nêu trên, các ĐBQH nhấn mạnh đến những khó khăn trong công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên. Nhiều ĐBQH bày tỏ lo ngại trước những diễn biến phức tạp, gia tăng và để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, bức xúc trong dư luận nhân dân do loại tội phạm này gây ra. Theo ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), số người chưa thành niên tụ tập thành băng nhóm, sử dụng hung khí gây nhiều vụ án nghiêm trọng có xu hướng tăng. Cùng chung quan điểm này, một số ĐBQH cho rằng tình trạng học sinh đánh nhau ở các tỉnh, thành phố và tung hình ảnh tiêu cực lên mạng Internet, cũng gây lo lắng cho nhiều bậc phụ huynh.

Trong quá trình thảo luận, các ĐBQH đề cập đến một số công tác trong đấu tranh phòng chống tội phạm cần được đánh giá cụ thể, để tìm ra nguyên nhân, giải pháp và rút ra bài học nhằm tiếp tục triển khai, thực hiện cho hiệu quả. Liên quan đến công tác xét xử, nhiều ĐBQH băn khoăn về tâm lý sợ oan sai của một số cơ quan thừa hành pháp luật, dẫn đến tình trạng xử lý còn nương nhẹ, dễ bỏ lọt tội phạm. Đáng quan tâm nhất là vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo có lúc, có nơi vẫn chưa được giải quyết minh bạch, kịp thời và dứt điểm, để dư luận bất bình.

Qua buổi thảo luận tại hội trường, đa số các ĐBQH đều đồng tình với những nhận xét, đánh giá tại các báo cáo của các cơ quan chức năng về thực trạng xã hội và các mặt công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống các vi phạm pháp luật. Chia sẻ với những khó khăn, thách thức chung trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, ĐB Chu Sơn Hà (thành phố Hà Nội) đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan chức năng, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng, Nhà nước và sự tham gia tích cực của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương và nhân dân, đã tạo ra thế trận ANND vững chắc, góp phần ổn định chính trị, đảm bảo TTATXH, phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.