Quản lý... cắt khúc
(ANTĐ) -Liên quan tới tồn dư chất bảo quản độc hại trên hoa quả nhập ngoại, tại diễn đàn Quốc hội, có tới 3 vị Bộ trưởng tham gia giải trình song đại biểu Quốc hội vẫn chưa hài lòng vì không rõ trách nhiệm.
Bộ trưởng Bộ Y tế nói: “Quy trình chế biến từ trang trại đến mâm cơm tức là chế biến, lưu thông, công nghệ, phụ gia... thuộc Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương, Bộ Y tế chỉ gác barie ở mâm cơm”.
Tới lượt Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lý giải: Bộ NN&PTNT quản lý trong suốt quá trình từ sản xuất đến khi nông sản được đưa ra lưu thông trên thị trường còn dư lượng của các chất độc hại trong bảo quản thực phẩm được nhập khẩu vào Việt Nam thuộc Bộ Công Thương quản lý...
Bộ trưởng Bộ Công Thương tiếp lời: Bộ chịu trách nhiệm quản lý thị trường. Lực lượng của Bộ Công Thương phối hợp với các thanh tra chuyên ngành của các Bộ khác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm...
Không chỉ có một lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm mà hiện nay rất nhiều “mảng miếng” quan trọng khác của nền hành chính đang được quản lý theo kiểu cắt khúc. Những bức xúc về môi trường hiện nay chính là hậu quả của cung cách quản lý này.
Sông Thị Vải (Đồng Nai) ô nhiễm đã 14 năm qua, người dân sống trong vùng kêu cứu khắp nơi, báo chí nhiều lần lên tiếng báo động nhưng chỉ đến khi tàu nước ngoài từ chối chở nguyên liệu vào các nhà máy dọc theo sông với lý do nước sông ô nhiễm ăn mòn vỏ tàu, các cơ quan chức năng mới thật sự vào cuộc.
Cách giải quyết không đồng bộ, thiếu tinh thần trách nhiệm, đổ lỗi vòng quanh của cơ quan quản lý môi trường hiện nay xuất phát từ cung cách quản lý cắt khúc theo địa giới hành chính. Thế nhưng, nước thải chưa qua xử lý xả ra sông, khói bụi độc hại của nhà máy xả thẳng vào bầu không khí, cứ thế phát tán khắp nơi đâu có tuân theo ranh giới hành chính! Rõ ràng, nếu còn tiếp tục bảo vệ môi trường theo kiểu “cát cứ”, mỗi nơi một phách, không theo tiêu chí chung thì khó lòng giải quyết được nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và lan rộng hiện nay.
Nhược điểm lớn nhất của mô hình quản lý tại các đô thị lớn hiện nay cũng chính là quản lý cắt khúc theo đơn vị hành chính. ý tưởng về mô hình chính quyền đô thị được các chuyên gia cho rằng sẽ khâu nối được các “khúc” bị chia cắt, đảm bảo thông suốt trong quản lý. Khi đó, một số Sở sẽ không chỉ còn là cơ quan tham mưu như hiện nay mà là cơ quan quản lý Nhà nước.
Nhân sự của Sở sẽ “rải” từ quận đến phường. Bố trí cán bộ nhiều hay ít tùy theo tình hình, diễn biến thực trên địa bàn cũng là trách nhiệm của Sở. Ông Chủ tịch quận sẽ chỉ giữ vai trò phối hợp các lực lượng của thành phố có trên địa bàn. Lúc đó, Giám đốc Sở sẽ chịu trách nhiệm chứ không thể “đổ” cho ai khác. Tuy nhiên, đây là vấn đề vượt qua những mô hình xưa nay chúng ta đã thiết kế nên chưa thể áp dụng ngay trong thực tế mà cần phải tiến hành thí điểm, xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Chính Trung