Quan hệ Nga-EU và ‘Tam giác quỷ Bermuda chính trị’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quan hệ Nga- EU được người đứng đầu cơ cấu ngoại giao châu Âu miêu tả là đang gặp bế tắc như hai người bơi trong "Tam giác quỷ Bermuda chính trị".

Mỹ và châu Âu gia tăng trừng phạt Nga

Hôm 13/1, Hội đồng của Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga đang có hiệu lực, liên quan đến một số lĩnh vực nhất định trong nền kinh tế nước này, cho đến ngày 31/7/2022.

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh tháng 12/2022 ở Brussels, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Các nhà lãnh đạo châu Âu sau đó cũng kêu gọi Nga nên bắt đầu thực hiện các thỏa thuận Minsk (về việc chấm dứt nội chiến và thiết lập hòa bình ở Ukraine).

Các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU đối với Nga đã có hiệu lực hơn 7 năm (bắt đầu từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014 và cuộc nội chiến Ukraine bùng phát ở vùng Donbass, miền đông nước này), nhằm vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng và quốc phòng Nga.

Đặc biệt, đối với một số ngân hàng và công ty của Nga, khả năng tiếp cận thị trường vốn sơ cấp và thứ cấp của EU bị hạn chế, lệnh cấm nhập khẩu và xuất khẩu vũ khí và hàng hóa lưỡng dụng đã được đưa ra.

Ngoài ra, Liên minh châu Âu hạn chế sự tiếp cận của phía Nga đối với một số công nghệ và dịch vụ phục vụ khai thác và thăm dò dầu khí.

Ban đầu, các biện pháp trừng phạt này được Liên minh châu Âu đưa ra vào ngày 31/7/2014 với thời hạn một năm, nhưng đến tháng 3/2015, thời hạn các lệnh trừng phạt được liên kết với việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk và các hạn chế sẽ được gia hạn 6 tháng một lần.

Cùng trong ngày hôm đó, Mỹ cũng đã đưa ra dự luật về các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga và cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin, cùng với các quan chức hàng đầu của Nga. Các biện pháp trừng phạt mới sẽ được áp đặt trong trường hợp tình hình xung quanh Ukraine trở nên trầm trọng hơn.

Quan hệ Nga-EU bắt đầu xấu đi từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, tháng 3/2014
Quan hệ Nga-EU bắt đầu xấu đi từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, tháng 3/2014

Theo tài liệu về dự luật do một nhóm nghị sĩ Mỹ soạn thảo, một vấn đề quan trọng khác là chậm nhất là 30 ngày sau khi thông qua luật, Ngoại trưởng Antony Blinken phải trình lên Thượng viện một chiến lược nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của đồng minh ngoài NATO là Ukraine.

Nội dung của dự luật có thêm khuyến nghị là trong năm tài chính 2022, Mỹ nên ưu tiên cung cấp vũ khí dư thừa cho chính quyền Kiev, trước khi nghĩ đến các quốc gia và khu vực khác.

Theo các nghị sĩ Mỹ, Lầu Năm Góc cần soạn thảo một kế hoạch chuyển giao cho Ukraine số vũ khí vốn trước đó đã được chuẩn bị cho các hoạt động ở Afghanistan và tăng cường việc huấn luyện các quân nhân nước này.

Nga và EU “lời qua tiếng lại”

Bình luận về những biện pháp trừng phạt mới đối với Nga của Liên minh châu Âu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sergei Lavrov đã gọi cách tiếp cận mới của EU đối với Moscow là “Kama Sutra chính trị” (Kama Sutra là một tác phẩm của nền văn minh Ấn Độ cổ đại viết bằng tiếng Phạn, nội dung viết về tình dục, khoái lạc và thực hành cảm xúc trong cuộc sống).

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cho biết, EU đã nhiều lần đưa ra các “kim chỉ nam mới” hay cách tiếp cận mới đối với Nga.

Ví dụ như cựu Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và An ninh Federica Mogherini, đã “sáng tạo” ra 5 nguyên tắc quan hệ với Nga; còn người đứng đầu cơ cấu ngoại giao châu Âu hiện nay là ông Josep Borrell lại “phát minh” ra một cách tiếp cận mới là: “Đẩy lùi, Kiềm chế và Tương tác”.

Ông Lavrov kết luận rằng, bà Mogherini hết nhiệm kỳ và ra đi, sau đó ngài Borrell được bổ nhiệm. Họ đã nghĩ ra nhiều điều mới nhưng bất cứ ai đã đọc về các thỏa thuận Minsk sẽ hiểu rằng đây là “bệnh tâm thần phân liệt chính trị”.

Đáp trả lại, vào hôm 17/1, Đại sứ EU tại Nga là ông Markus Ederer phát biểu rằng, chính quyền của ông Vladimir Putin không quan tâm đến hợp tác với Liên minh châu Âu, mà chú trọng nhiều hơn đến đối đầu.

Tại một cuộc họp báo, khi trả lời câu hỏi về việc các nhà chức trách Nga gần đây đã mô tả mối quan hệ với Liên minh châu Âu bằng cách sử dụng nhiều ẩn dụ khác nhau, bao gồm “Kama Sutra chính trị” và “bất lực chính trị”, ông Markus Ederer tuyên bố, để giải thích quan điểm của giới chức Moscow cần có sự kết hợp giữa “một nhà trị liệu tình dục” và “một chuyên gia về công nghệ chính trị”.

Ông lưu ý rằng, những nút thắt trong quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu liên quan đến ba điểm. Đầu tiên là: “Nga không tuân thủ các thỏa thuận Minsk và tạo ra các mối đe dọa ở biên giới với Ukraine”. Thứ hai: Moscow vi phạm nhân quyền và tự do ngôn luận và thứ ba là đang Điện Kremlin đang thực hiện “các cuộc tấn công vào các hệ thống dân chủ trong EU”.

Ông Markus Ederer nhấn mạnh, các hành động gần đây của Nga chứng tỏ Điện Kremlin không quan tâm đến hợp tác với EU và có vẻ như Tổng thống Putin quan tâm hơn đến việc đối đầu.

Do đó, người đứng đầu cơ cấu ngoại giao châu Âu kết luận rằng, mối quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu cần được mô tả như việc hai người đang bơi trong “vùng nước đục ngầu” không lối thoát, tựa như đang ở trong “Tam giác quỷ Bermuda”.