Khủng hoảng năng lượng châu Âu: Đức-EU trả giá?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Châu Âu đang sa vào cuộc khủng hoảng năng lượng, khi nguồn cung khí đốt không đủ, còn các nhà máy điện gió, điện mặt trời không thể chạy được trong mùa đông.

Theo nhà báo Jürgen Flauger viết trong một bài báo trên tờ Handelsblatt, Đức có thể bị mất điện nếu không có đủ nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, do việc đình chỉ dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2) của Nga.

Tác giả bài viết lưu ý rằng, Berlin cần nhập khẩu một lượng lớn nhiên liệu xanh, bao gồm cả nguồn cung cấp từ Nga; nếu không, Đức sẽ không thể thực hiện được quá trình chuyển đổi năng lượng, cụ thể là từ bỏ năng lượng hạt nhân và ngừng sản xuất điện từ than đá.

Theo ý kiến của ông, nước Đức chỉ có thể tránh được tình trạng mất điện nếu các nhà máy điện mới chạy bằng khí đốt được xây dựng trên quy mô lớn - các nhà máy này hoạt động ngay cả khi trời không có gió hoặc không có nắng, điều mà các nhà máy phong điện (điện gió) hay điện mặt trời không thể thực hiện được.

Bình luận viên người Đức đưa ra kết luận rằng nếu đường ống bị chặn, Moscow sẽ bắt đầu tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới ở châu Á, đây là điều mà Đức và Liên minh châu Âu không hề mong muốn.

Châu Âu đang sa vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, trong khi tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 vẫn không được cấp phép vận hành
Châu Âu đang sa vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, trong khi tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 vẫn không được cấp phép vận hành

Theo ông, chính quyền Berlin phải làm mọi việc có thể để đảm bảo rằng tranh cãi về “Dòng chảy phương Bắc-2” không trở nên quá trầm trọng, khiến Nga không còn đủ kiên nhẫn.

Nga hiện đang cố gắng thúc đẩy Đức đưa vào hoạt động dự án Nord Stream 2. Tổng thống Putin và quan chức cấp cao Nga đã nói rất rõ rằng giải quyết những trở ngại pháp lý cuối cùng để đường ống này đi vào vận hành là cách tốt nhất làm giảm áp lực cho thị trường khí đốt châu Âu.

Nhà báo Flauger cũng nhấn mạnh rằng, Nga luôn hoàn thành nghĩa vụ cung ứng của mình đối với khách hàng mua khí đốt [theo các hợp đồng dài hạn] ở phương Tây, ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi còn nằm trong thành phần Liên bang Xô viết.

Không chỉ Đức, Châu Âu cũng đang thấm thía hơn hệ quả từ cuộc khủng hoảng năng lượng, khi một số nhà máy điện hạt nhân của Pháp gặp sự cố phải đóng cửa trong những ngày qua để điều tra, khiến giá điện hạt nhân tăng lên gần 340 USD/MWh ở hầu hết quốc gia châu Âu.

Theo Energy Live, giá điện ở Pháp ngày 20/12 ở mức gần 499 USD/MWh, mức cao nhất ở châu Âu và cũng là giá cao nhất kể từ năm 2009.

Áo là quốc gia có giá điện cao thứ hai, với khoảng 490 USD/MWh. Ba Lan, nước có giá điện thấp hơn nhiều quốc gia khác, cũng ghi nhận mức tăng 110%, lên 388 USD/MWh so với những tuần trước.

Châu Âu đã phải vật lộn với nguồn cung điện hạn chế, khi các trạm điện gió, điện mặt trời không sản xuất đủ năng lượng bù đắp cho tình trạng thiếu hụt từ các nhà máy điện hạt nhân.

Trong bối cảnh đó, khí đốt ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với EU, khi các nước châu Âu đối mặt với mùa đông lạnh giá. Nhưng trớ trêu thay, dự án cung cấp khí đốt cho châu Âu là Dòng chảy phương Bắc-2 lại vẫn bị trì hoãn bởi chính tư duy chính trị hóa các dự án kinh tế của châu Âu.