Quái như... “cát tặc”: Phải mạnh tay dẹp bỏ

ANTĐ - Đối chiếu những chủ trương, biện pháp mà cơ quan hữu trách thực hiện trong nhiều năm qua, cùng với thực trạng nạn khai thác cát trái phép trên hai tuyến sông Hồng, sông Đuống, có thể đi đến nhận định: công tác chống “cát tặc” vẫn còn rất khó khăn! 

Khó “quản” bến bãi mua cát hút trái phép từ lòng sông 

Chống từ “ngọn”

Đại đa số “cát tặc” là dân đi hút trộm, hút thuê theo hợp đồng với chủ bến bãi, kinh doanh vật liệu xây dựng. Mà những người chủ này cũng không “trốn” đâu xa, họ mở bến bãi ngay dọc hai trục sông lớn nhất của Hà Nội. Lực lượng chức năng nào cũng nắm rõ điều này, nhưng công tác xử lý cho đến thời điểm này mới chỉ dừng ở “cát tặc”. Rất ít các vụ bắt giữ, xử lý “cát tặc”, cơ quan chức năng truy đến tận cùng người thuê hút và bán cát cho ai. Phạt hành chính và tạm giữ phương tiện hút cát (vòi, đầu máy nổ…), đang được xem là giải pháp “tối ưu”. Chả trách, hiệu quả công tác đấu tranh nạn “cát tặc” còn rất thấp.

Đặt câu hỏi với một cán bộ có trách nhiệm của UBND huyện Gia Lâm về “đối sách” trước nguy cơ bắt tay, hợp tác giữa chủ các bến bãi vật liệu xây dựng với “cát tặc”, chúng tôi được nghe sự quả quyết: “Huyện đã chỉ đạo UBND các xã dọc sông Hồng, sông Đuống ký cam kết với chủ các bến bãi không được thu mua cát do “cát tặc” bán, không mua cát không rõ nguồn gốc”. “Thế lâu nay, huyện đã phát hiện trường hợp nào cố tình vi phạm cam kết? Và có biện pháp nào để giám sát việc thực hiện cam kết?”. Câu trả lời cũng... quả quyết không kém, là “chưa”. Để ghi nhận thực tế tình hình cấp xã thực hiện chỉ đạo của huyện Gia Lâm, chúng tôi tìm về mấy địa bàn ven sông Đuống, gần cầu Phù Đổng. Cấp xã cũng chưa từng bắt quả tang chủ bến bãi nào mua cát “ngoài luồng”; thậm chí, có xã đang tồn tại 2 bến bãi tập kết vật liệu xây dựng trong tình trạng… không giấy phép.

Trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong phòng ngừa, xử lý nạn “cát tặc” được chỉ huy Đội CSGT đường thủy số 2 nhìn nhận khá thấu đáo. “Điều 100 Luật Giao thông đường thủy nội địa quy định, trách nhiệm quản lý Nhà nước về giao thông đường thuỷ nội địa của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố là tổ chức, chỉ đạo các sở, ban, ngành trực thuộc và UBND cấp huyện, xã thực hiện và chịu trách nhiệm các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa tại địa phương. Cấp cơ sở cũng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa theo thẩm quyền; áp dụng các biện pháp thiết lập trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa tại địa phương. Quy định cụ thể là vậy, nhưng việc thực hiện ở nhiều cấp cơ sở lại không trọn vẹn. Như thế, tránh sao được sự tồn tại, hoạt động ngày càng phức tạp của nạn “cát tặc”.

Quy hoạch điểm khai thác cát -  sao không?

Quãng cuối năm 2011, đầu năm 2012, đơn vị quản lý luồng tuyến trên sông Hồng đã phải tiến hành một hoạt động khá miễn cưỡng, là hút, nạo một luồng cát ở khu vực gần cầu Chương Dương tự nhiên gồ lên, để mở đường cho tàu thuyền đi lại. Cát hút ở vị trí gồ đó được đổ sang vị trí khác, vẫn trong khu vực sông Hồng. Điều này là hoạt động bình thường, diễn ra lâu nay trên sông Hồng, sông Đuống. Kể lại cho chúng tôi sự việc ấy, đại diện Đội CSGT đường thủy số 2 nhìn nhận: “Đó thực sự là việc lãng phí công sức. Vì sao, chúng ta không tổ chức quy hoạch, cấp phép cho những điểm khai thác cát hợp pháp trên sông Hồng, sông Đuống? Không quản được thì cấm, đó đâu phải là biện pháp hay”. 

So với một số tỉnh, thành phố giáp ranh, có thể thấy, công tác quản lý tài nguyên cát trên sông của Hà Nội bị động hơn rất nhiều. Như Bắc Ninh, cơ quan quản lý đã bố trí điểm khai thác cát, đấu thầu và giao cho đơn vị trúng thầu quản lý hoạt động khai thác cát. Động thái này đem lại nhiều điều lợi: tận dụng được nguồn tài nguyên thiên nhiên, phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương. Tiếp đến là ngăn chặn được nạn khai thác cát trái phép. Các công trình trọng điểm, bờ vở, lòng sông không bị xâm phạm, khai thác cát tràn lan, và đồng nghĩa với việc dễ nhận dạng ở những vị trí khác, tàu hút cát là trái phép.

Với Hà Nội, vì lâu nay chưa tính toán quy hoạch, cấp phép, nên đương nhiên mọi hoạt động khai thác cát trên sông Hồng, sông Đuống là bất hợp pháp. Biết thế, nhưng công tác xử lý vẫn không thể triệt để, hiệu quả. Bên cạnh việc “bỏ ngoài” nguồn đầu ra của “cát tặc”, việc phân công lực lượng chuyên trách xử lý “cát tặc” cũng chưa được quan tâm thấu đáo. Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát môi trường bắt “cát tặc”; về lý thuyết thì ổn. Nhưng thực tế không ổn chút nào. Phương tiện không sẵn; nhân lực bơi giỏi, biết điều khiển tàu thuyền lại càng thiếu. Để bắt được tàu hút trộm cát, trinh sát phải đeo bám, lập chuyên án cả tuần, cả tháng trời. Mà bắt “cát tặc” đâu giống xử lý tội phạm trên cạn, thiếu cẩn trọng một chút thôi cũng có khi nguy hiểm đối với cả đối tượng vi phạm lẫn lực lượng xử lý.

“Chuyên” hơn một chút trong xử lý “cát tặc” là CSGT đường thủy. Nhưng tìm hiểu quy định mới biết, lực lượng này cũng chỉ được “bám sông” từ 7h đến 16h hàng ngày. Hai tuyến sông Hồng, sông Đuống, chiều dài mấy chục cây số, qua 7 quận, huyện, gần 40 phường, xã, thị trấn, vẻn vẹn có 10 người. Mà chức năng, nhiệm vụ của CSGT đường thủy đâu chỉ có mỗi bắt “cát tặc”. Họ phải đảm đương công tác tuần tra kiểm soát, phòng ngừa tội phạm, cứu hộ cứu nạn. “Đơn giản và cần thiết nhất khi bắt được tàu hút trộm cát, chúng tôi muốn giữ phương tiện, giữ tàu để răn đe, nhưng lại không thể. Bởi, không có chỗ neo giữ tàu hút trộm cát”, một cán bộ Phòng CSGT đường thủy trăn trở...