Quá to không thể chìm nổi

ANTĐ - Ngày 14-4 này là tròn một thế kỷ con tàu Titanic huyền thoại chìm xuống đáy Đại Tây Dương. Hơn già nửa trong số 2.224 hành khách và thủy thủ đã thiệt mạng.

- Nhân loại không bao giờ quên thảm họa “nhân tai” khủng khiếp ấy. Tôi vẫn còn ám ảnh sau khi xem bộ phim Titanic. Chắc sắp tới người ta sẽ tưởng niệm sự kiện có một không hai này.

- Đâu chỉ tưởng niệm. Bao nhiêu giấy mực đã đổ ra để trả lời câu hỏi: vì sao một con tàu khổng lồ, chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ đã chìm nhanh đến thế xuống độ sâu 4.000m.

- Nghe nói Titanic đâm phải một tảng băng trôi. Mà thôi, cứ để đau thương nằm yên dưới biển thẳm, bới lên làm gì?

- Không chỉ một nguyên nhân độc nhất nhấn chìm con tàu mà là cả một “thác sự kiện”: thiếu hụt cấu trúc, thiết kế, trang bị công nghệ mới nhất, hiện đại nhất thời đó, song vật liệu không phù hợp rồi những sai lầm trong tính toán và vật lý.

- Xin hỏi, điều tra, nghiên cứu thì phỏng có ích gì? Titanic đã chìm sâu dưới đáy đại dương, có trục vớt lên cũng chỉ là sắt vụn rỉ.

- Không ngờ ông nông cạn thật! Làm thế là để tránh cho những Titanic khác không chìm nghỉm trong “thác sự kiện” và ra đi vĩnh viễn.

- Hiểu rồi, ông muốn nói tới những Titanic ở ta chứ gì. Tuy chưa đến mức thảm họa nhưng cũng đáng báo động, nào Vinashin, EVN, nay lại đến Tập đoàn Dầu khí, rồi Tập đoàn Sông Đà với những “lỗ thủng” hàng nghìn tỷ đồng. Không biết còn những “con tàu” nào nữa?

- Thảm họa nhấn chìm con tàu Titanic chính là hồi đó thuyền trưởng khăng khăng quả quyết con tàu to đến mức không thể chìm nổi, bỏ ngoài tai mọi cảnh báo.

- Cứ nghĩ quá to không thể chìm nổi, đến lúc chìm quá nhanh không thể hiểu nổi. Người chìm, tàu chìm, chỉ có hậu quả là nổi bềnh.