Quá khó để truy tố kẻ tiêu thụ đồ gian?

ANTĐ - Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định cụ thể trong luật, nhưng thực tế trong các vụ án, việc chứng minh hành vi này còn nhiều bất cập, hầu hết là xử lý hành chính, nên tính răn đe chưa nghiêm.

Từ chuyện vô tình mua được chiếc còng vàng...

Gần 20 năm mở tiệm kinh doanh vàng bạc, nghề đã dạy cho anh Phạm Năm - chủ tiệm vàng khu vực Ngã ba Huế, Đà Nẵng sự cẩn trọng và cảnh giác cao độ. Bởi, đã làm nghề kim hoàn không chỉ cẩn trọng về “tuổi vàng” mà còn cảnh giác với những trò lừa hoặc tiêu thụ của trộm cắp. Cảnh giác là vậy, nhưng đã có lần vợ chồng anh Năm phải rầy rà với pháp luật khi mua phải vàng do đối tượng cướp giật bán. Đến giờ mỗi khi nhắc lại bài học “xương máu” này, vợ chồng anh Năm chỉ biết tự an ủi: “Đúng là chẳng biết đâu mà lần!”.

Người đã “dạy” cho vợ chồng anh Năm bài học “cảnh giác không bao giờ thừa” là một cặp đôi còn khá trẻ. Hôm ấy, vợ anh Năm bán ở tiệm thì có đôi trai gái như vợ chồng son chở nhau đến hỏi giá vàng, sau đó họ đưa ra một hộp đựng chiếc “còng” (vòng cổ) 5 chỉ vàng, bảo muốn bán. Cô gái trình bày hoàn cảnh họ vừa cưới nhau, cần mua sắm nhiều vật dụng gia đình nên phải bán đi số vàng cưới, bên cạnh đó họ còn đưa cho chị Năm cả phiếu bán hàng mấy ngày trước (ngày bán).

Đối chiếu ký hiệu vàng trên chiếc “còng” và phiếu bán hàng, chị Năm biết đây là sản phẩm của tiệm H. rất lớn trên đường Ông Ích Khiêm (Đà Nẵng). Thắc mắc sao không mua đâu bán đó để khỏi mất giá, cặp đôi này cho rằng vàng của họ có thương hiệu và chỉ hơn mấy chục ngàn đồng thì xuống dưới đấy làm gì cho mệt. Sau khi tính toán thấy giá mua lại nếu có đem bán lại cho chính tiệm H. vẫn lời được vài trăm ngàn đồng nên chị Năm đồng ý giao dịch.

Tang vật một vụ cướp giật được cơ quan CA thu giữ. Ảnh: Q.P

 Tang vật một vụ cướp giật được cơ quan CA thu giữ. Ảnh: Q.P

Những tưởng sẽ có thêm được đồng tiền lời nhưng không ngờ khi anh Năm đem món hàng vừa mua xuống tiệm vàng H. bán lại thì mới biết mua phải vàng của một khách hàng bị cướp giật mấy ngày trước. Do vụ cướp giật vàng nói trên được người bị hại trình báo ngay với cơ quan CA và cả tiệm vàng H. nên khi anh Năm xuống bán chiếc “còng” thì cơ quan CA cũng đến để xác minh.

Do người mua là chị Năm nên cả hai vợ chồng được mời đến cùng xác minh vụ việc, sau đó vợ chồng anh Năm được chứng minh là vô tình mua phải tài sản gian, nhưng chiếc “còng” là tang vật vụ án nên bị thu giữ để sau này trả cho người bị hại. Qua thông tin của cơ quan CA, vợ chồng anh Năm được biết bọn cướp đã giật túi xách của người bị hại (trong đó có đựng chiếc “còng” vàng và phiếu bán hàng) sau khi họ rời tiệm vàng H. Vài ngày sau chúng cùng đồng bọn là nữ đóng giả vợ chồng đem bán lại tại tiệm vàng của anh Năm.

... Đến đồng lõa

Thời gian gần đây lực lượng CATP Đà Nẵng triệt phá nhiều nhóm cướp, cướp giật, trộm cắp chuyên nghiệp, trong đó cơ quan CA cũng xác minh nhiều tiệm cầm đồ, kinh doanh vàng bạc hay các cửa hàng khác có hành vi cố tình tiếp tay cho tội phạm để tiêu thụ tài sản gian.

Vì lợi nhuận mà nhiều chủ cửa hàng đã làm lơ, cố tình tiếp tay cho tội phạm như trường hợp của Hà Anh Tú (1981, trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) là một ví dụ. Tháng 6-2011, lực lượng CATP Đà Nẵng bắt quả tang nhóm trộm chuyên cạy lô-gô xe hơi gồm các đối tượng Nguyễn Hữu Pháp (1993), Phan Văn Hồng (1993) và Võ Ngọc Tâm (1993, cùng trú P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng). Đến khi bị bắt chúng đã cạy trộm hàng chục lô-gô xe hơi các loại, đồng thời còn khai ra đối tượng, địa điểm bán lô-gô là cửa hàng buôn bán sơn trên đường Triệu Nữ Vương.

Các đối tượng trong nhóm trộm lô-gô xe hơi bị CA bắt giữ.

Các đối tượng trong nhóm trộm lô-gô xe hơi bị CA bắt giữ. 

Qua xác minh, người tiêu thụ là Hà Anh Tú, ngoài ra cơ quan CA đã thu giữ tại cửa hàng của Tú 65 chiếc lô-gô các loại. Hà Anh Tú khai, do gia đình có cửa hàng bán phụ tùng ô-tô và nhất là thời gian gần đây nhiều khổ chủ bị mất cắp phụ tùng ô-tô (nhất là lô-gô) thường đến hỏi mua nên Tú đã “linh động” thu mua lô-gô từ các đối tượng trộm như Phát, Hồng. Với giá mua 30 ngàn đồng/chiếc sau đó Tú về dán lại keo và bán ra với giá 150 ngàn đồng/chiếc.

Hà Anh Tú – người đã “linh động” mua lô-gô về để bán kiếm lời khai nhận tại CQĐT.

 Hà Anh Tú – người đã “linh động” mua lô-gô về để bán kiếm lời khai nhận tại CQĐT.

Tương tự, vào cuối tháng 7-2011, lực lượng Cảnh sát Chống cướp giật (CATPĐN) đã tóm gọn nhóm cướp do Thành “lưu manh” (tức Hứa Trung Thành, 1987, trú Q. Thanh Khê, ĐN) cùng đồng bọn là Nguyễn Đức (1988, trú P. Bình Hiên, Hải Châu, ĐN) thực hiện hơn 15 vụ cướp giật dây chuyền trên địa bàn TPĐN. Theo lời khai của chúng, sau khi “ăn bay” được dây chuyền vàng nào chúng đều đem đi bán tại tiệm vàng Ng. ở khu vực Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng.

Rõ ràng, việc một số người buôn bán vì lợi nhuận mà cố tình tiếp tay tiêu thụ tài sản gian cho các đối tượng tội phạm là hành vi đồng lõa, bởi như trường hợp của Hà Anh Tú hay chủ tiệm vàng Ng. không thể nói là không biết đó là tài sản gian. Một cán bộ điều tra cho biết, hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định cụ thể trong luật, nhưng thực tế trong các vụ án, việc chứng minh hành vi này còn nhiều bất cập, hầu hết là xử lý hành chính, còn truy tố trước pháp luật không nhiều nên tính răn đe chưa nghiêm.

Vậy nên, việc các chủ tiệm vàng hay các cửa hàng kinh doanh cảnh giác, nói không với những tài sản nghi ngờ là của gian không chỉ tránh được phiền toái, bị pháp luật xử lý mà còn góp phần ngăn chặn tội phạm, nhất là “đầu ra” khi chúng đưa đi tiêu thụ.