“Quả bom nổ chậm”

ANTĐ - Nợ sinh viên đang trở thành một “quả bom nổ chậm” nguy hiểm không kém tình trạng cho vay dưới chuẩn vốn là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính-tín dụng 2007-2008, đẩy nền kinh tế Mỹ vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong vòng 7 thập kỷ qua.

Nợ sinh viên đã trở thành quả bom nổ chậm đe dọa nền kinh tế Mỹ

Đó là cảnh báo mà Hiệp hội toàn quốc các luật sư chuyên trách về phá sản và vỡ nợ của người tiêu dùng (NACBA) của Mỹ đưa ra ngày 7-3. Trong báo cáo điều tra công bố cùng ngày, NACBA cho biết, trong 3-4 năm qua, số lượng khách hàng là sinh viên hoặc từng là sinh viên tìm đến các luật sư để nộp đơn xin bảo lãnh vỡ nợ tăng từ 25-30%. 

Theo Chủ tịch NACBA William E. Brewer, tổng giá trị tiền cho sinh viên Mỹ vay trong năm 2010 đã lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 100 tỷ USD. Con số này đẩy tổng số tiền cho sinh viên nước này vay nhưng chưa trả tính đến hết năm 2011 đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD. 

Tính ra, trung bình mỗi sinh viên Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học vào thời điểm năm 2010 phải mang nợ khoảng 25.250 USD, chưa kể các khoản chi thẻ tín dụng nhưng chưa thanh toán. Đây là khoản nợ tăng mạnh so với mức nợ trung bình 19.646 USD của năm 2006. 

Giới kinh tế cho rằng có 2 nguyên nhân khiến số sinh viên Mỹ mang nợ ngày càng nhiều và cao, đó là học phí tăng nhanh và tỷ lệ thất nghiệp cao. Thống kê của tổ chức “College Board”, riêng trong năm 2010 học phí của các trường đại học công lập ở Mỹ tăng 5,4% và trường tư tăng 4,3%. Năm 2010, học phí trung bình của trường công lập 4 năm ở Mỹ là 21.447 USD/năm và trường tư khoảng 42.224 USD, có trường lên tới 54.000 USD/năm. 

Học phí cao cũng đã khiến cho số cha mẹ sinh viên phải vay tiền cho con ăn học tăng 75% từ năm học 2005-2006 đến nay. Trung bình các khoản vay của một sinh viên cũng đã tăng 34.000 USD lên 50.000 USD trong thời gian 10 năm qua.

Trong khi đó, tình trạng thất nghiệp tăng liên tục và lên tới con số kỷ lục vào cuối năm 2011 cũng đã khiến số lượng sinh viên sau khi ra trường nộp đơn xin bảo lãnh vỡ nợ vì không kiếm được việc làm càng gia tăng. Năm 2010 có khoảng 9,1% sinh viên Mỹ khi tốt nghiệp không kiếm được việc làm. 

Theo các chuyên gia tài chính, nợ sinh viên đã thực sự trở thành một “quả bom nổ chậm” đe dọa toàn bộ nền kinh tế Mỹ giống như khoản nợ tín dụng thế chấp mua nhà từng là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính-tín dụng 2007-2008. Ông E. Brewer cho rằng, cần phải có ngay các giải pháp để tháo ngòi nổ “quả bom tín dụng” với kinh tế Mỹ.

Để giải quyết vấn đề nợ sinh viên cũng như góp phần giảm bớt gánh nặng nợ cho sinh viên, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã công bố một loạt biện pháp. Trong đó có việc giảm tỷ lệ trả nợ của những người vay tiền từ các quỹ của liên bang từ 15% xuống 10% thu nhập hàng tháng của họ từ năm 2012 này; xóa nợ sau 20 năm thay vì 25 năm như trước đây với những trường hợp quá khó khăn... Cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ Robert Shireman, cho biết chương trình “Trả nợ theo thu nhập” của chính phủ sẽ giúp sinh viên phần nào đỡ lo lắng hơn áp lực trả nợ của họ sau khi tốt nghiệp.