Phút giây nổ súng, giải cứu dân Thổ Châu khỏi quân Khmer Đỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Câu chuyện của đúng ngày này 48 năm về trước qua lời kể của 3 người cựu chiến binh như thước phim quay chậm, tố cáo tội ác của quân Khmer Đỏ và sự can trường trong chiến đấu của người lính giải phóng quân.

Trong hải trình đến với Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang những ngày tháng 5-2023, chúng tôi đã gặp 3 người cựu chiến binh từ Ninh Bình về thăm lại chiến trường xưa…

Trận đánh lúc nửa đêm

Cựu chiến binh Phạm Hồng Cầu, Phạm Văn Ngọc, Nguyễn Văn Thởn nguyên cán bộ Tiểu đoàn 410, Trung đoàn 195 kể lại, ở thời điểm cả đất nước đang mừng chiến thắng, chúng tôi nhận được tin báo của người dân về chính quyền ở đảo Phú Quốc, quân Khmer Đỏ đang chiếm đóng đảo Thổ Châu, khoảng 500 người dân trên đảo hoặc bị sát hại hoặc đã bị bắt đưa đi trên những chiếc tàu nhỏ.

PV trò chuyện cùng CCB Phạm Hồng Cầu, Nguyễn Văn Ngọc trên chuyến tàu đến đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

PV trò chuyện cùng CCB Phạm Hồng Cầu, Nguyễn Văn Ngọc trên chuyến tàu đến đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

Theo lời kể của các cựu chiến binh, sau ngày 30-4-1975, những người lính của Trung đoàn 195 từ Sài Gòn về tiếp quản các vùng đất Kiến Lương (Kiên Giang), Hà Tiên, Phú Quốc. Khi đến đảo Phú Quốc, bộ đội ta biết tin quân Khmer Đỏ đã rút chạy ra đảo Thổ Châu nhưng không thể nghĩ đến việc bắt dân, sát hại dân đang sinh sống trên đảo.

Sau tin báo của dân, quân đội đã điều máy bay trinh sát hiện trường các đảo thì phát hiện các đảo này đã bị quân Khmer Đỏ chiếm đóng.

Ngày 20-5-1975, trung tướng Lê Trọng Tấn - phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam - thay mặt Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Quân khu 9 phải đánh chiếm lại toàn bộ các đảo và đất đai của Việt Nam bị quân Khmer Đỏ chiếm đóng.

Sự bình yên của xã đảo Thổ Chu hôm nay

Sự bình yên của xã đảo Thổ Chu hôm nay

Tại Phú Quốc, một hội nghị quân sự đã diễn ra, thống nhất kế hoạch hiệp đồng tác chiến giải phóng đảo Thổ Châu.

Theo tư liệu của Vùng 5 hải quân, các đơn vị được sử dụng đánh chiếm lại hòn đảo này gồm: tiểu đoàn bộ binh 410 thuộc Trung đoàn 195 (Quân khu 9), 2 tàu tuần tiễu loại 100 tấn của Trung đoàn 172 hải quân, 2 tàu vận tải loại 50 tấn của Trung đoàn 125 hải quân, một đại đội đặc công nước của Trung đoàn 126 đặc công hải quân, 4 tàu vận tải đổ bộ LCM8 và 4 tàu PCF thu hồi của quân đội VNCH; có sử dụng lại một số sĩ quan, nhân viên cũ thuộc đoàn hải quân Phú Quốc của chế độ Sài Gòn và một đại đội du kích huyện đội Phú Quốc...

“Ngày 23-5-1975, chúng tôi từ đảo Phú Quốc lên chiếc tàu thủy của Hải quân Mỹ viện trợ cho lính ngụy hành quân đến đảo Thổ Châu. Thời điểm ấy, chiếc tàu đó bộ đội ta vẫn chưa làm chủ được khí tài, phải huy động kíp lái của lính Việt Nam Cộng hòa điều khiển” – CCB Phạm Hồng Cầu nhớ lại. Ông kể, khoảng 12h đêm cùng ngày, chúng tôi đã đến đảo, đổ quân tại phía Bắc đảo. Do chiếc tàu không thể cập bến nên chúng tôi đã sử dụng xuồng cao su, 2 người/xuồng dùng dây thừng kéo di chuyển vào đảo. Thổ Châu ngày ấy đã không còn một bóng người dân.

Một góc đảo Thổ Chu

Một góc đảo Thổ Chu

Theo lệnh của chỉ huy, khoảng 5h sáng ngày 24-5 sẽ bắt đầu nổ súng. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp cận, các trinh sát của ta đã đụng phải quân Khmer đỏ. Sau phút bối rối vì bị tấn công bất ngờ, quân Khmer Đỏ đã nổ súng, buộc quân ta không đợi hiệu lệnh chiến đấu đã nổ súng chống trả.

Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt trong 3 ngày, từ ngày 23 đến ngày 25-5, với sự mưu trí vừa đánh địch, vừa vận động đầu hàng, lực lượng ta đã làm chủ hoàn toàn đảo Thổ Châu. Kết thúc trận đánh, tiểu đoàn 410 với 110 quân đã diệt 200 quân Khmer Đỏ, bắt sống 175 quân. Phía tiểu đoàn có 1 chiến sĩ hy sinh, hai sĩ quan bị thương.

Thổ Chu hôm nay

Sau khi Thổ Chu được giải phóng, lực lượng bộ đội ở lại đóng quân và xây dựng đảo. Đến năm 1992, UBND tỉnh Kiên Giang bắt đầu đưa người dân ra đảo sinh sống và đến 1993 mới có quyết định thành lập xã Thổ Châu. Trong những năm đầu, cuộc sống của người dân trên đảo vô cùng khó khăn.

Hoàng hôn trên đảo Thổ Chu

Hoàng hôn trên đảo Thổ Chu

Lực lượng bộ đội tham gia giải phóng đảo đã hỗ trợ bà con sớm ổn định chỗ ở, chủ động giải quyết khó khăn của bà con, bố trí sỹ quan để dạy học cho các cháu đang tuổi đến trường ở các lớp 1,2,3,4. Ngày 24-4-1993 có quyết định thành lập xã đảo Thổ Châu, Tiểu đoàn 561 cũng như các đơn vị đảo Thổ Chu sau này tiếp tục hỗ trợ cấp uỷ chính quyền địa phương mọi mặt từ vật chất đến tinh thần, nề nếp, cấp uỷ chính quyền địa phương tiếp tục ổn định đến hôm nay.

Từ một xã đảo 5 không, không đường, không điện, không trạm xá, trường học, không công nghệ thông tin thì đến nay, được sự quan tâm đầu tư từ Trung ương đến tỉnh, thành phố, Thổ Châu đã phát triển nhanh chóng. Xã đảo Thổ Châu đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng, trung tâm hành chính xã, trường học, trạm y tế, nhà máy điện, hệ thống thông tin liên lạc…

Trường mầm non trên đảo

Trường mầm non trên đảo

Hiện trên đảo có khoảng 2.000 dân sinh sống bằng nghề ngư nghiệp và đã manh nha hình thành phát triển du lịch với những căn nhà nhỏ được cải tạo thành nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống. Anh Vũ Tiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã đảo Thổ Chu là người tiên phong làm du lịch trải nghiệm ở Thổ Chu chia sẻ, dù đã có điện, nước nhưng rất khó phát triển vì nguồn cung thực phẩm hạn chế, đất đai cũng khó mở rộng để có thể xây dựng các địa điểm lưu trú rộng lớn.

Quần đảo Thổ Chu có vị trí đặc biệt quan trọng trong vùng biển Tây Nam. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, quân đội cũng như tỉnh Kiên Giang đã đầu tư phát triển về mọi mặt kể cả về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, trở thành trung tâm vững mạnh về quốc phòng an ninh, mạnh về kinh tế phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.