Phán quyết cuối cùng với cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ duy nhất còn sống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 22-9, tòa án xét xử tội ác diệt chủng của lãnh đạo cấp cao Khmer Đỏ ở Campuchia những năm 1970 đã kết thúc. Phiên tòa dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc đã tiêu tốn 337 triệu USD và 16 năm để kết tội 3 tội phạm đầu sỏ của chế độ này.
Cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ Khieu Samphan, 91 tuổi trong phiên phúc thẩm ngày 22-9

Cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ Khieu Samphan, 91 tuổi trong phiên phúc thẩm ngày 22-9

Bác kháng cáo của bị cáo duy nhất

Trong phiên phúc thẩm, Tòa án đặc biệt xét xử tội ác chế độ PolPot tại Campuchia (ECCC) đã bác đơn kháng cáo của Khieu Samphan - thủ lĩnh cuối cùng (còn sống) của Chính phủ Khmer Đỏ cầm quyền ở Campuchia từ năm 1975-1979. Khieu Samphan xuất hiện tại tòa hôm qua trong chiếc áo gió màu trắng, ngồi xe lăn, đeo khẩu trang và tai nghe, liên quan đến cáo buộc về phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người trong hồ sơ vụ án số 002/02. Là bị cáo cuối cùng và duy nhất của phiên tòa này, Khieu Samphan nói mình chỉ là người đứng đầu Nhà nước Khmer Đỏ trên danh nghĩa, phủ nhận việc có quyền ra quyết định thực sự khi Khmer Đỏ tiến hành khủng bố để thiết lập một xã hội nông nghiệp không tưởng, khiến ít nhất 1,7 triệu người dân Campuchia bị hành quyết, đói khát và thiếu thốn chăm sóc y tế.

Khieu Samphan bị bắt giữ năm 2007. Đến năm 2018, ông ta bị kết án về tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh. “Bất kể quyết định thế nào, tôi sẽ chết trong tù. Tôi sẽ chết khi luôn nhớ về những đau khổ của người dân Campuchia. Tôi sẽ chết khi thấy rằng chỉ có một mình tôi trước tòa” - Khieu Samphan nói trong tuyên bố kháng cáo cuối cùng trước tòa vào năm ngoái. Trong đơn kháng cáo của mình, ông ta đưa ra phản đối với hơn 1.800 chi tiết, nhưng tòa án hôm 22-9 lưu ý rằng, kháng cáo của Khieu Samphan không trực tiếp đặt câu hỏi về các tình tiết vụ án như đã trình bày trước tòa. Tòa án cho biết, họ nhận thấy phần lớn các lập luận của Khieu Samphan là “vô căn cứ” và nhiều lập luận chỉ là giải thích thay thế bằng chứng.

Theo phán quyết ngày 22-9, Khieu Samphan bị kết án chung thân và sẽ phải trở lại nhà tù được xây dựng đặc biệt. Điều này cũng không thay đổi gì nhiều, bởi Khieu Samphan (91 tuổi) đã thụ án chung thân cho bản án năm 2014 vì tội ác chống lại loài người liên quan đến việc cưỡng bức chuyển giao và mất tích hàng loạt người Campuchia.

Hành trình 16 năm và 337 triệu USD

Trong vụ án cuối cùng này, các cựu lãnh đạo chủ chốt của chế độ Campuchia dân chủ lần lượt qua đời trong tiến trình điều tra, xét xử. Đồng phạm Nuon Chea - lãnh đạo số 2 và là nhà tư tưởng chính của Khmer Đỏ, đã bị kết án 2 lần và nhận cùng một mức án chung thân. Nuon Chea qua đời vào năm 2019 ở tuổi 93. Nhân vật thứ ba bị tòa án kết tội là Kaing Guek Eav (còn được gọi là Duch), chỉ huy nhà tù Tuol Sleng, nơi có khoảng 16.000 người bị tra tấn trước khi bị giết. Duch bị kết án vào năm 2010 vì các tội ác chống lại loài người, giết người và tra tấn. Ông ta chết vào năm 2020 ở tuổi 77 khi đang thụ án chung thân.

Pol Pot - thủ lĩnh thực sự của Khmer Đỏ, đã thoát khỏi công lý. Pol Pot qua đời trong rừng vào năm 1998 ở tuổi 72 trong bối cảnh tàn quân cố kháng cự đến cùng sau khi mất quyền lực. Ngoài ra, phiên tòa xét xử 2 bị cáo khác đã không hoàn tất. Ieng Sary - cựu Ngoại trưởng của Khmer Đỏ đã chết vào năm 2013. Ieng Thirith - cựu Bộ trưởng Các vấn đề xã hội (vợ Ieang Sary), được cho là không thích hợp để hầu tòa do chứng mất trí nhớ vào năm 2011 và qua đời vào năm 2015.

Tòa án dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc đã tiêu tốn 337 triệu USD và 16 năm để kết tội 3 tội phạm đầu sỏ của chế độ này. Với công việc đã hoàn thành một cách tích cực, tòa án hiện bước vào giai đoạn 3 năm còn lại, tập trung vào sắp xếp các tài liệu lưu trữ và tuyên truyền thông tin cho các mục đích giáo dục. Heather Ryan - thành viên tổ chức Sáng kiến công lý xã hội mở, người đã dành 15 năm theo dõi tòa án này nhận định, lượng thời gian, tiền bạc và nỗ lực tuy còn hạn chế so với mục tiêu đề ra, nhưng tiếng vang của nó vượt trội hơn so với một số vụ việc ở tòa án quốc tế khác.

ECCC được thành lập tháng 6-2003 theo một thỏa thuận giữa Chính phủ Hoàng gia Campuchia và Liên hợp quốc nhưng có cơ chế hoạt động như một tòa án độc lập nhằm xét xử những đối tượng bị cáo buộc phạm tội ác diệt chủng ở Campuchia trong giai đoạn 1975-1979 (dưới chế độ Campuchia dân chủ). Việc kéo dài thời gian thụ lý, điều tra và xét xử các cựu lãnh đạo cấp cao của Khmer Đỏ xuất phát từ tính chất phức tạp của hồ sơ vụ án và tiến trình tố tụng.