“Phường Văn hóa” đầu tiên của Thủ đô

ANTĐ - Sáng nay, 9-10, UBND phường Quảng An long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu “Phường Văn hóa” do UBND quận Tây Hồ trao tặng. Đây là lần đầu tiên có một phường trên địa bàn Hà Nội được trao tặng danh hiệu này.

Nghề ướp trà sen đang được ưu tiên phát triển và bảo tồn tại Quảng An

Đạt 100% tiêu chí

Việc phong tặng danh hiệu này nằm trong nội dung Đề án “Xây dựng phường văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ”, đồng thời hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”. Hơn nữa, việc công nhận phường văn hóa nhằm phát huy nguồn lực, sức mạnh dân chủ của toàn dân, cơ sở để xây dựng môi trường, nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, khôi phục kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long- Hà Nội.

Là đơn vị đầu tiên trên địa bàn quận được chọn triển khai thí điểm Đề án, qua hơn 4 năm thực hiện, với sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của cả hệ thống chính trị quận, sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị phường và các khu dân cư, đồng thời được sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của nhân dân, phường Quảng An đã đạt được các tiêu chí đề ra. Kết quả xây dựng phường văn hóa mà Quảng An đạt được khá toàn diện, bản thân mỗi người dân đều nhận thấy, việc xây dựng phường văn hóa là việc làm cần thiết, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Bộ mặt đô thị phường Quảng An ngày càng sạch đẹp, khang trang, các thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ, đời sống kinh tế của nhân dân trên địa bàn phường ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Giàu lên từ vốn cổ

Ông Nguyễn Mạnh Trường - Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An cho biết, dù đã lên phố gần 20 năm nay, nhưng những truyền thống của một ngôi làng cổ bên bờ hồ Tây vẫn đang được gìn giữ. Quảng An cũng là một trong không nhiều phường trên địa bàn Hà Nội còn giữ được nếp sinh hoạt của Hội Nông dân và hoạt động của Hợp tác xã Nông nghiệp. Dù diện tích canh tác bị thu hẹp, nhường chỗ cho các công trình dân sinh thì nhiều người dân Quảng An vẫn bền bỉ giữ nghề. Không còn đất trong đê, thì chuyển dần sản xuất nông nghiệp ra ngoài bãi sông Hồng. Doanh thu của HTX Nông nghiệp và Kinh doanh dịch vụ Quảng An giữ ở mức ổn định, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt khoảng 250 triệu đồng/ha. 

Ông Nguyễn Mạnh Trường cho biết thêm, một trong những nét văn hóa đặc sắc ở Quảng An hiện vẫn còn bảo tồn và phát triển là nghề ướp trà sen. Được sự ưu đãi của thiên nhiên, với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng đặc biệt, đất Quảng An trồng được giống sen quý - sen Bách Diệp. Để cho ra đời 1kg trà sen thượng hạng, cần tới 1.400 bông sen và cũng vì công phu nên  thứ đặc sản này hiện được bán với giá 6 triệu đồng/kg. Dù giá cả bạc triệu, nhưng trà ở đây vẫn cứ đắt hàng, nhiều khách ở Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Pháp… uống một lần rồi cứ nhớ đặt mua. Năm 2012 vừa qua, Trà sen Quảng An đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận Tinh hoa trà Việt. Trong thời gian tới, UBND phường Quảng An sẽ triển khai nhân rộng giống sen quý, giữ gìn hương vị đặc biệt này. 

Bên cạnh đó, UBND phường cũng xây dựng phương án, đề xuất quỹ đất để phát triển và bảo tồn nghề trồng quất cảnh - cũng là một trong những điểm riêng biệt của ngôi làng cổ ven hồ Tây. Ông Lê Văn Hợp (77 tuổi) là một trong những hộ gia đình hiện nay đang gìn giữ và phát triển nghề trồng hoa cây cảnh, một trong những nghề truyền thống đặc sắc của Quảng An. Tại Quảng An từ nhiều năm nay cũng có nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư trồng hoa ly, thu nhập ổn định. Giống hoa ly được trồng ở ngoài bãi sông Hồng cho năng suất cao và đang được xem như một trong những giống cây  hiệu quả cùng với loa kèn, cúc hay sen.