- Trao tặng 10.000 liều vaccine cúm miễn phí vì cộng đồng
- Bệnh đường hô hấp và cúm A gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng chống
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng
Khi mắc cúm thường chán ăn do vậy người bệnh cần ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt. Có thể ăn phở, cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước. Nếu là trẻ cần tăng cường uống sữa, trẻ còn bú mẹ thì tăng cường bú mẹ. Cần ăn nhiều trái cây và rau xanh để bổ sung đủ vitamin giúp tăng sức đề kháng. Các bữa ăn cần cung cấp đủ thịt, cá để đảm bảo đủ protein cho cơ thể khỏe mạnh. Lưu ý, người bệnh cúm nên tăng cường, bổ sung các loại rau và trái cây có màu xanh đậm, đỏ và vàng để nâng cao hệ miễn dịch, hỗ trợ hồi phục sức khỏe nhanh chóng.
Bệnh cúm sẽ nhanh chóng tự khỏi nếu người bệnh biết cách phòng và điều trị đúng cách |
Hạn chế tiếp xúc nơi đông người
Thông thường bệnh cúm có thể tự khỏi sau thời gian ngắn khi người bệnh dành thời gian nghỉ ngơi và uống nhiều nước để cơ thể dần chống lại sự nhiễm trùng. Không nên hút thuốc lá hoặc uống rượu trong thời gian này; cũng nên hạn chế trà, cà phê, các đồ uống có chất kích thích… để tránh làm cơ thể thêm mệt mỏi. Không nên sinh hoạt, làm việc, học tập trung hoặc tiếp xúc gần với người khác mà bạn nghi ngờ họ đang bị nhiễm cúm mà không có các biện pháp bảo hộ như đeo khẩu trang.
Giữ vệ sinh thật tốt
Cần làm sạch bề mặt vật dụng, thường xuyên lau sạch, khử khuẩn bề mặt các vật dụng trong nhà cũng là cách giúp giảm nguy cơ mắc cúm. Ngoài ra, cần rửa tay thường xuyên hạn chế đưa tay trực tiếp lên mắt, mũi, miệng. Thường xuyên rửa tay với nước ấm và xà phòng. Ngoài ra, cần tập thể dục đều đặn: Người có thói quen vận động, thể dục thể thao hàng ngày thường có triệu chứng ít nguy hiểm và thời gian hồi phục nhanh hơn nếu bị nhiễm cúm.
Phân biệt cảm cúm với bệnh khác
Trên thực tế, cảm cúm có các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, chẳng hạn như sổ mũi, hắt hơi và đau họng. Đối với cảm lạnh thường biểu hiện dần dần, trong khi đó bệnh cúm lại khởi phát đột ngột. Mặc dù các triệu chứng cúm không phổ biến, nhưng có thể bao gồm nhiệt độ cơ thể tăng cao, đau cơ, ớn lạnh và đổ mồ hôi. Các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa như nôn mửa và tiêu chảy có thể xảy ra khi mắc bệnh cảm cúm và thường gặp ở trẻ em hơn là ở người lớn. Do đó, điều quan trọng là phải phân biệt được bệnh cúm và cảm lạnh dựa trên sự khởi phát nhanh chóng, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, tránh để lại các biến chứng lâu dài.
Hầu hết các triệu chứng của bệnh cúm sẽ dần biến mất sau khoảng 4-7 ngày. Nhưng các biểu hiện ho khan, mệt mỏi phần lớn kéo dài hàng tuần và có thể lặp lại dai dẳng. Khi đó các biến chứng có thể xảy ra như: Viêm phổi, khó thở, tức ngực, suy hô hấp… thì cần nhập viện ngay. Đặc biệt, nếu nghi ngờ mắc các loại virus cúm nguy hiểm như H5N1, H1N1, H7N9… hay có các triệu chứng cúm trở nặng và có nguy cơ bị biến chứng thì cần đến ngay cơ sở y tế.
Sai lầm khi điều trị khiến bệnh trở nặng
Dùng kháng sinh: Nhiều người cứ có triệu chứng đau họng, chảy nước mũi, ho là tìm đến kháng sinh, nhưng điều đó hoàn toàn sai lầm. Nếu bị cảm cúm hay cảm lạnh, việc điều trị kháng sinh dường như không hiệu quả. Việc điều trị bệnh cảm lạnh, cảm cúm thường là điều trị triệu chứng của người bệnh, còn thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn mà không diệt được virus.
Dùng thuốc sai: Các loại thuốc không kê đơn chữa cảm lạnh, cảm cúm xuất hiện rất nhiều trên thị trường. Như nếu sử dụng các loại thuốc thông mũi, xịt mũi dài ngày, hơn 3 ngày có thể “gây nghiện” cho mũi, khiến bản thân người bệnh phải phụ thuộc vào thuốc. Xịt nước muối là cách làm phổ biến của nhiều người, nhưng thực chất việc xịt nước muối chỉ giúp ngăn chặn nhiễm bệnh, loại bỏ chất nhầy, thông xoang, chứ nước muối không thể chữa bệnh do cảm cúm, cảm lạnh.
Xông mũi: Việc xông mũi bằng hơi nước nóng hoặc thảo dược để thông mũi cũng là việc mọi người hay làm. Mặc dù độ ẩm tốt cho mũi nhưng sức nóng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm mũi. Cách tốt nhất là chỉ cần một hơi hít vào là đã đủ để thông mũi mà không cần xông mũi trong thời gian dài.
Không tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên giúp củng cố hệ miễn dịch, làm chúng ta ít bị nhiễm bệnh hơn. Nhưng khi bị bệnh, con người cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thường ngại tập thể dục. Bạn có thể tập nhẹ nhàng trong thời gian ngắn hơn bình thường tùy theo thể trạng của mỗi người.
Không uống đủ nước: Mất nước làm người bệnh dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, khó chịu… Cần bổ sung nước cho cơ thể bằng đường ăn hoặc uống. Uống nước không chỉ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch mà nó còn làm cho chất nhầy ở xoang, mũi lỏng ra, đi xuống, và không lưu lại ở xoang hay phổi khiến bệnh lâu khỏi.