Phúc thẩm vụ truyền nhầm máu gây chết người

ANTĐ - Cho rằng cấp tòa sơ thẩm xử không đúng, 2 bác sĩ của bệnh viện đa khoa Thanh Trì (gọi tắt là bệnh viện Thanh Trì) đã kháng án. Viện dẫn căn cứ, VKSND TP Hà Nội cũng ra kháng nghị thay đổi tội danh và tăng nặng hình phạt.

Ảnh minh họa: Nguyên Vũ

Sáng thứ bảy (8-9), TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án vi phạm quy định về khám chữa bệnh, xảy ra tại bệnh viện Thanh Trì ra xét xử phúc thẩm. Các bị cáo trong vụ án là 2 bác sĩ Trần Xuân Dung (SN 1962) - Trưởng khoa Xét nghiệm, Nguyễn Thị Tường Vân (SN 1957) - Phó Giám đốc bệnh viện, kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1982) - kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm.

Trước tòa, bị cáo Dung thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Vân vẫn giữ nguyên đề nghị cấp tòa phúc thẩm giải oan. Riêng bị cáo Hà không kháng cáo. Ngoài kháng nghị tăng mức hình phạt đối với cả 3 bị cáo, VKS còn đề nghị cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm để áp dụng tội danh “Vi phạm quy định về khám chữa bệnh” thay vì tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với Phó Giám đốc bệnh viện Thanh Trì và bãi bỏ một trong hai hình phạt bổ sung (phạt 5% thu nhập hàng tháng) đối với bị cáo Dung… Sau khi trình bày vắn tắt lại hành vi của mình, bị cáo Vân khẳng định: “Lúc truyền máu cho bệnh nhân Vinh tôi không có mặt ở giường bệnh và cũng không biết ai là người thực hiện việc truyền máu”. Vì thế bị cáo Vân cho rằng không phạm tội như bản án sơ thẩm quy kết.

 Tuy nhiên, nói về việc bệnh nhân tử vong tại bệnh viện Thanh Trì, bị cáo Vân trình bày: “Là Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn và là bác sĩ trực tiếp điều trị, tôi thấy mình cũng có một phần trách nhiệm”. Khẳng định án sơ thẩm thiếu khách quan, công bằng, bị cáo Dung trình bày: “Tôi chỉ là người chịu trách nhiệm ký duyệt vào giấy xác định kết quả xét nghiệm nhóm máu, vậy mà lại phải chịu mức án nặng nhất”. Nữ Trưởng khoa Xét nghiệm thừa nhận bà là người trực tiếp cắm đường truyền từ tay bệnh nhân vào bịch máu, nhưng thuần túy chỉ là thực hiện giúp cô y tá trong ê kíp điều trị. Bà này khẳng định, tại thời điểm đó, bác sĩ Vân là người ra y lệnh và còn có mặt của một số bác sĩ, y tá khác. Bị cáo quả quyết, trách nhiệm chính phải thuộc về bác sĩ điều trị cho bệnh nhân và kỹ thuật viên xét nghiệm máu. 

Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKS cho rằng đây là vụ án có đồng phạm. Mỗi hành vi của 3 bị cáo là một mắt xích của tội phạm. Do đó cần phải áp dụng chung một tội danh là “Vi phạm quy định về khám chữa bệnh” mới phù hợp. Về hình phạt, đại diện cơ quan công tố cấp phúc thẩm đề nghị xử phạt 2 bị cáo Dung, Vân cùng mức từ 12 - 18 tháng tù và xử phạt bị cáo Hà 12 tháng tù, đều cho hưởng án treo. Vậy nhưng sau khi xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án, lời khai của các bị cáo và quan điểm của đại diện VKS, TAND TP Hà Nội quyết định bác đơn kháng án của bị cáo Nguyễn Thị Tường Vân và bác bỏ toàn bộ nội dung kháng nghị của VKSND cùng cấp. Riêng với kháng cáo của Trần Thị Xuân Dung, nhận thấy hình phạt bổ sung là không cần thiết nên tòa chấp thuận miễn hình phạt này. Bị cáo vẫn phải chấp hành 16 tháng cải tạo không 

giam giữ.