Phụ huynh lo ngành đào tạo ngoại ngữ khó kiếm việc làm trong tương lai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước ngưỡng cửa đại học, nhiều phụ huynh học sinh phản ánh về băn khoăn trong việc chọn ngành học ngoại ngữ với lo lắng nghề nghiệp này yếu thế trong tương lai
Thí sinh lo lắng với nghề nghiệp tương lai khi ngoại ngữ được hỗ trợ nhiều bởi AI

Thí sinh lo lắng với nghề nghiệp tương lai khi ngoại ngữ được hỗ trợ nhiều bởi AI

Một trong những câu hỏi được nhiều phụ huynh cùng quan tâm là việc con chọn học trường ngoại ngữ liệu có cơ hội việc làm trong tương lai trước ảnh hưởng của công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI).

"Con có thiên hướng học ngoại ngữ từ bé và đây là thế mạnh của con. Chính vì vậy, con có nguyện vọng xét tuyển vào các trường đào tạo về ngôn ngữ. Tuy vậy, 2 mẹ con rất bối rối, không biết nên chọn ngành học nào và cơ hội việc làm sau 4 năm học ra sao?" - chị Vũ Thị Ngân đặt câu hỏi với các chuyên gia tư vấn tuyển sinh.

Theo các chuyên gia tư vấn, đây cũng là thắc mắc chung của rất nhiều bậc phụ huynh và học sinh ở thời điểm này. Mặc dù hiện nay, đa số các trường đều ưu tiên những thí sinh có lợi thế về ngoại ngữ trong tuyển sinh đầu vào, nhưng điều khiến các bậc phụ huynh, học sinh quan tâm là cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Chia sẻ với phụ huynh về vấn đề này, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lí đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, với những thí sinh có thiên hướng về ngoại ngữ có thể lựa chọn theo 2 hướng.

Đầu tiên, là sử dụng ngôn ngữ như một thế mạnh, công cụ để học các ngành khác. "Tại các trường đại học hiện nay, có nhiều chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng ngoại ngữ hoặc tỉ lệ các môn trong ngành đó học bằng ngoại ngữ rất cao.

Với những thí sinh theo học các ngành này, sau khi tốt nghiệp, ra trường, các em sẽ có lợi thế vượt trội về ngoại ngữ và có cơ hội việc làm trong môi trường quốc tế" - cô Hiền phân tích.

Hướng lựa chọn thứ hai PGS.TS Vũ Thị Hiền đưa ra là lựa chọn ngoại ngữ làm ngành học. Chẳng hạn, với thế mạnh tiếng Anh, thí sinh có thể tham khảo ngành Ngôn ngữ Anh.

"Đi sâu vào ngành ngôn ngữ hiện nay có rất nhiều điều hay. Các ngành ngôn ngữ nói chung hiện nay đều được triển khai theo hướng tiếp cận liên ngành" - cô Hiền thông tin.

TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cũng cho biết, với các chương trình đào tạo ngoại ngữ trên toàn quốc, sinh viên không chỉ học ngôn ngữ. Cụ thể, từ năm 3, ngành đào tạo sẽ chia thành rất nhiều các nhánh chuyên ngành để thí sinh lựa chọn, chẳng hạn như: Phiên dịch, Du lịch, Truyền thông, Sư phạm,...

"Nếu 1 bạn sinh viên học ngôn ngữ tốt có thể tham khảo ngành Du lịch. Khi ra trường, với thế mạnh ngoại ngữ, các bạn có thể làm hướng dẫn viên du lịch, công ty du lịch...

Hằng năm, Việt Nam đón 3,7 triệu khách du lịch từ nhiều nước trên thế giới. Như vậy, đây là thị trường rộng lớn và đang "khát" nguồn nhân lực. Mức lương ngành du lịch cũng rất hấp dẫn" - bà Nguyễn Thị Cúc Phương nói.

Phó Hiệu trưởng ĐH Hà Nội khẳng định, với những sinh viên có thế mạnh ngoại ngữ, cơ hội của các em rất rộng mở. "Không nên hoang mang trước những thông tin ngành ngoại ngữ hay một số ngành yếu thế khó kiếm việc làm như mạng xã hội phản ánh gần đây. Tuy nhiên, sẽ có những thay đổi về cấu trúc nhân lực ngành, đòi hỏi các trường sẽ phải cập nhật kiến thức mới, đáp ứng xu hướng tương lai.

Bên cạnh đó, ChatGPT hay các phần mềm AI khác cũng không hoàn toàn thay thế được công việc của nhân lực trong ngành ngoại ngữ bởi những yêu cầu đặc thù trong giao tiếp giữa con người.

Do vậy, phụ huynh, học sinh hoàn toàn có thể yên tâm trong quá trình chọn ngành, chọn nghề liên quan đến ngoại ngữ" - bà Nguyễn Thị Cúc Phương chia sẻ.