Phớt lờ cúm gia cầm

ANTĐ - Thông tin Việt Nam xuất hiện chủng virus cúm gia cầm mới, độc lực cao H5N6 dường như chưa được ai quan tâm. Ngay tại các chợ nội thành trên địa bàn TP Hà Nội, tình trạng bày bán, giết mổ gia cầm lông vẫn tràn lan, dù việc này đã bị cấm từ rất lâu.

Buôn bán, giết mổ gia cầm lông tràn lan tại các chợ nội thành dù đã bị cấm

Buôn bán, giết mổ gia cầm tràn lan

Ngay khi ghi nhận virus cúm gia cầm độc lực cao H5N6 xuất hiện ở Lạng Sơn và Hà Tĩnh, Bộ NN&PTNT đã có công điện khẩn, yêu cầu các tỉnh, thành siết chặt hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm; đặc biệt, chú ý khâu phòng bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng, thực hiện nghiêm quy định về giết mổ. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhận định, điều nguy hiểm là virus H5N6 không gây triệu chứng lâm sàng trên gia cầm mắc bệnh. Tại Trung Quốc, vào tháng 4-2014 đã ghi nhận một bệnh nhân tử vong vì nhiễm cúm A/H5N6, trong khi đó, chủng virus này tại Việt Nam tương đồng đến 99% với chủng virus lưu hành ở Trung Quốc.

Ông Tô Long Thành, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương cho biết: “Do đến nay thế giới mới chỉ ghi nhận một ca tử vong do virus A/H5N6 nên việc xác định được cơ chế lây truyền của virus này từ gia cầm sang người, cũng như nguy cơ gây tử vong trên người là rất khó khăn”. Là chủng virus mới, nên nguy cơ lây nhiễm và gây nguy hiểm cho người nhiễm cũng sẽ lớn hơn do cơ thể chưa có kháng thể. Đặc biệt, do virus cúm A/H5N6 đã từng phát hiện tại Lào vào tháng 7-2014, nhưng lại không gây triệu chứng lâm sàng trên gia cầm bị bệnh nên cần đề cao cảnh giác. Bởi virus có thể âm thầm lưu hành mà chúng ta không thể phát hiện nên rất dễ lây sang người. Thế giới cũng chưa có vaccine để phòng chủng virus này.

Trong khi đó, ngay tại Hà Nội, từ người kinh doanh đến người tiêu dùng dường như còn rất thờ ơ với dịch bệnh. Đặc biệt, dù Hà Nội đã cấm buôn bán, giết mổ gia cầm lông tại các chợ trong nội thành nhưng lệnh cấm này đã bị phớt lờ mà không cơ quan chức năng nào xử lý.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, tại khu chợ Kim Liên, Nguyễn Công Trứ…, gà, vịt lông vẫn bày bán và giết mổ vô tư ngay tại chợ. Tại các khu chợ cóc như chợ Pháo Đài Láng (Đống Đa, Hà Nội), chợ Nguyễn Phúc Lai (Đống Đa), chợ cóc Vũ Thạnh (Đống Đa), các lồng gà, vịt, ngan lông được bày bán ngang nhiên trong chợ. Người bán thì luôn có cái lý của mình, rằng: “Gà vẫn khỏe mạnh, vỗ cánh phành phạch như vậy, cúm làm sao được. Nếu mà có cúm thì chúng tôi nhiễm trước”. Còn người mua thì tặc lưỡi, dù có biết thông tin về dịch bệnh, về cúm gia cầm nhưng hầu hết vẫn cho qua.

Lãnh đạo trạm thú y huyện phải chịu trách nhiệm

Ông Nguyễn Đình Đảng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi của TP vẫn êm ả, chưa phát hiện ổ dịch nào. Tuy nhiên, lượng động vật, sản phẩm động vật nhập vào TP hàng ngày rất lớn. Bởi vậy, nhiệm vụ trọng tâm là giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật được đưa từ các tỉnh về Thủ đô. Hiện, toàn TP có 9 chốt kiểm dịch động vật liên ngành và 1 chốt kiểm dịch lưu động thường xuyên triển khai hoạt động, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bởi vậy, Chi cục Thú y đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các ngành phối hợp với cơ quan thú y kiểm tra, đôn đốc công tác tiêm phòng vaccine đại trà đợt 2/2014 cho đàn gia súc, gia cầm, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thông tin, tuyên truyền để người dân được biết các loại vaccine TP hỗ trợ cũng như thời gian tiêm phòng. Đơn vị nào không tiêm bổ sung vaccine, khi xảy ra dịch bệnh thì trưởng ban thú y xã và trạm trưởng trạm thú y huyện phải chịu trách nhiệm. 

Bên cạnh đó, theo ông   Đỗ Phú Sơn - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội, các địa phương cần giám sát chặt chẽ đến tận hộ chăn nuôi nhằm phát hiện sớm các trường hợp gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không để dịch lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Song, dường như sự vào cuộc của ngành Thú y là chưa đủ, khi mà tình trạng phớt lờ với quy định và dịch bệnh đang diễn ra hàng ngày.