Phóng viên pháp đình giữ trong mình lương tri và sự chính trực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hơn 10 năm được phân công theo dõi và gắn bó với mảng “pháp đình” (chuyên đưa tin về các vụ án tại phiên tòa), với nhiều người khoảng thời gian đó có thể đã quá đủ hoặc sẽ khó tránh khỏi cảm giác chai lỳ. Nhưng với tôi, việc được tác nghiệp, viết về các vụ xử án vẫn luôn mang nhiều cảm xúc, thử thách và mới mẻ.

Những nỗi niềm ít người biết

Còn nhớ, những ngày mới được phân công theo dõi các phiên tòa, tôi vô cùng bỡ ngỡ với mọi thứ xung quanh. Nhưng thật may, lúc nào tôi cũng được các đồng nghiệp đi trước chỉ dẫn và cùng với những áp lực của nghề báo đã giúp tôi từng bước trưởng thành. Có thể nói ở chốn pháp đình, mỗi phóng viên chúng tôi thường xuyên “va” phải những đối tượng cộm cán. Thế nên, chuyện nhà báo khi tác nghiệp, chụp ảnh thường xuyên phải nhận những ánh mắt không mấy thiện cảm, thậm chí là những phản ứng thái quá từ bị cáo. Cá biệt, trong những vụ án tội phạm hoạt động theo ổ nhóm, hoặc những đối tượng cộm cán thì sự nguy hiểm, cảm giác bất an của phóng viên còn đến từ những người thân, “bạn bè xã hội” của các bị cáo.

Phóng viên pháp đình tập trung cao độ theo dõi và viết tin, bài ngay tại phiên tòa

Phóng viên pháp đình tập trung cao độ theo dõi và viết tin, bài ngay tại phiên tòa

Cách đây chưa lâu, đồng nghiệp của tôi ở một tờ báo từng bị một nhóm đối tượng “xăm trổ” đầy mình tấn công, đòi đập nát máy ảnh ngay tại hành lang phòng xét xử. Hôm đó, khi Hội đồng xét xử bước vào làm việc cũng là lúc đồng nghiệp của tôi liên tục chụp hình các bị cáo bị xét xử cùng lúc về nhiều tội danh, trong đó có tội “Giết người”. Sau đó, khi vừa ra khỏi phòng xử án, đồng nghiệp của tôi lập tức bị 4-5 đối tượng là “bạn bè xã hội” của các bị cáo đe dọa và giằng chiếc máy ảnh đòi đập nát. Thấy vậy, chúng tôi vội tới can thiệp, và phải nhờ tới sự trợ giúp của lực lượng Cảnh sát Hỗ trợ tư pháp giải vây.

Chuyện phóng viên pháp đình bị những người lạ mặt gây sự, dọa nạt không phải là hiếm. Nhưng chuyện những người cầm bút trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm lại bị chính người tiến hành tố tụng “gây khó”, hoặc cản trở cũng không phải không xảy ra. Có lần, tôi được cử tới Tòa án quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đưa tin về vụ án tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đến với phiên xử hôm đó, ngoài thẻ nhà báo , tôi còn cẩn trọng xin thêm một tấm Giấy giới thiệu rất rõ ràng, cụ thể. Trước giờ khai mở phiên tòa, tôi nhanh chóng vào phòng thường trực của Tòa án làm thủ tục tác nghiệp. Sau một hồi xem xét kỹ lưỡng các giấy tờ của phóng viên, vị thẩm phán yêu cầu tôi phải photo thẻ nhà báo. Không muốn làm căng nhưng cũng không thể chấp hành “phán quyết” vô lý ấy, tôi chỉ nhẹ nhàng đáp lại pháp luật về báo chí không có quy định nào buộc nhà báo phải photocopy thẻ cho tòa án.

Chỉ đến lúc này, nữ chủ tọa phiên xử vụ án tai nạn giao thông mới chấp nhận để phóng viên vào dự tòa. Thế nhưng, ngay khi tuyên bố khai mạc phiên tòa, nữ Thẩm phán lại “làm khó” chúng tôi. Sau khi nhắc lại nội quy phòng xử án, vị chủ tọa lại nói: “Phóng viên không được chụp ảnh, quay phim và ghi âm, ghi hình”. Đến lúc này thì lòng tự trọng nghề nghiệp của tôi buộc phải lên tiếng. Chúng tôi đã viện dẫn ra hàng loạt quy định pháp luật về quyền của báo chí tại phiên tòa công khai..., khiến vị thẩm phán này phải lúng túng.

Để đảm bảo thông tin nhanh chóng, phóng viên pháp đình làm việc ngay ở bậc cầu thang

Để đảm bảo thông tin nhanh chóng, phóng viên pháp đình làm việc ngay ở bậc cầu thang

Tình người trong phiên xử

Có câu nói rằng “khôn ngoan đến cửa quan mới biết” và cái ác, cái thiện hay lương tri của mỗi con người chỉ khi ra chốn công đường mới tỏ tường nhất. Hơn 10 năm gắn bó với mảng pháp đình, có thể nói tôi đã chứng kiến, cảm nhận vô vàn cảnh ngộ cùng những mảnh đời và các loại tội phạm khác nhau. Và dù mỗi một loại tội phạm đều có mối quan hệ nhân quả riêng biệt, mang một màu sắc riêng biệt, nhưng tất cả đều có điểm chung là đôi khi sinh mạng, hậu quả pháp lý của người phạm tội lại phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc, tâm trạng cũng như lòng từ bi bác ái từ phía bị hại.

Và thi thoảng những phóng viên pháp đình chúng tôi vẫn bắt gặp và tận mắt chứng kiến những câu chuyện thấm đẫm tình người, sự nhân văn, nhân ái mà bị hại dành cho bị cáo. Đơn cử như vụ án “Giết người” được Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử công khai hồi cuối tháng 5 vừa qua. Theo đó, ngày 18-6-2021, Nguyễn Ngọc Thanh (SN 1996, ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mượn xe ô tô Mazda 3 của một người bạn, sau đó đến nhà trọ của vợ sắp cưới chơi.

Có lẽ vì quá nóng lòng muốn gặp bạn gái nên Thanh vô tình để chiếc ô tô chắn ngang cửa gia đình bà Nguyễn Thị Nhôm (SN 1963), trú ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội. Đến tối cùng ngày, khi thanh niên này cùng bạn gái ra xe thì bị bà Nhôm chửi mắng, đứng chặn đầu ô tô. Lời qua tiếng lại, Thanh lên xe nổ máy, đạp ga phóng đi, bất chấp người phụ nữ lớn tuổi đang đu bám trên nắp capo. Để rồi sau đó, Thanh liên tục đánh tay lái, hất văng bà Nhôm xuống đường... Hậu quả vụ án khiến nạn nhân bị tổn hại tới 63% sức khỏe.

Phóng viên TrịnhTuyến

Phóng viên TrịnhTuyến

Sau 1 năm vụ án xảy ra, bà Nhôm đến dự phiên tòa với sức khỏe yếu và tòa cho ngồi để trả lời các câu hỏi trong suốt quá trình xử án. Thậm chí, bà Nhôm còn nói năng rất khó nhọc, không thành tiếng, khiến người thân liên tục phải trợ giúp nói thay. Được hỏi về lời khai nhận tội của bị cáo, bà Nhôm cùng người đại diện khẳng định Thanh khai báo thành khẩn với thực tế những gì xảy ra. Bà Nhôm cùng người đại diện còn tỏ ra rất lấy làm tiếc khi cả hai bên cùng thiếu kiềm chế, mới dẫn tới cơ sự ngày hôm nay... Tại tòa, bà Nhôm tha thiết đề nghị Hội đồng xét xử xem xét và áp dụng mức án nhẹ nhất có thể đối với bị cáo.

Bởi theo bà Nhôm, dù gì vụ án cũng đã xảy ra, việc bị cáo phải chịu hình phạt tù nghiêm khắc hay không không quan trọng bằng việc anh ta phải coi đây là một bài học đắt giá của cuộc đời. Từ đó phải cải tạo thật tốt để sớm được trở về đoàn tụ với gia đình, với “vợ dại, con thơ”. Về hoàn cảnh gia đình của kẻ đã tước đoạt mạng sống mình bất thành, bà Nhôm cũng chia sẻ với bao điều day dứt khi cho biết, bố của Thanh mất sớm, mẹ giờ bệnh tật triền miền và đứa con đầu lòng đang còn quấn tã vẫn chưa biết mặt bố... Tất cả những điều ấy khiến bà Nhôm không đành lòng làm khó bị cáo.

Nghe những lời trần tình nêu trên của bị hại giữa chốn pháp đình, người thân duy nhất của bị cáo có mặt tại phiên tòa là người vợ trẻ của Thanh từng chứng kiến gần như toàn bộ vụ án xảy ra chỉ còn biết cảm tạ. Còn với chúng tôi, những người thường xuyên đau đáu trước những cảnh tượng tranh cãi, lăn lộn gào khóc và cả chửi bới, thù hận tại tòa án bỗng thấy lòng mình thật ấm áp, nhẹ nhõm...