Phòng ngừa trọng án xuất phát từ mâu thuẫn gia đình

ANTD.VN - Những ngày vừa qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ án mạng đau lòng trên địa bàn cả nước. Điều đáng nói, hung thủ lại chính là anh em ruột thịt của nạn nhân, thậm chí là người từng đầu gối tay ấp. Dĩ nhiên, kẻ gây tội ác sẽ phải chịu trừng phạt của pháp luật, nhưng câu hỏi làm thế nào để phòng ngừa các vụ trọng án xuất phát từ mâu thuẫn gia đình thì vẫn rất khó trả lời…

Phòng ngừa trọng án xuất phát từ mâu thuẫn gia đình ảnh 1Nơi xảy ra vụ án mạng tại huyện Đan Phượng, Hà Nội

Ngày 1-9, mạng xã hội lan truyền đoạn video clip rùng rợn với hình ảnh một người đàn ông đang đâm chém túi bụi nhiều người. Hung thủ sau đó được cơ quan công an xác định là Nguyễn Văn Đông (SN 1966, trú tại huyện Đan Phượng, Hà Nội). Và điều khiến ai cũng bàng hoàng là các nạn nhân chính là em ruột, em dâu và các cháu của hung thủ. Vụ án đã có 4 người thiệt mạng, 1 người bị thương nặng. Quá trình điều tra cho thấy, nguyên nhân dẫn đến vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn do tranh chấp đất đai giữa hung thủ và em ruột. Trước khi xảy ra án mạng, em trai của Đông vừa làm lễ đào móng khởi công xây nhà. Điều đáng nói, lời khai của hung thủ thể hiện đã mâu thuẫn với con trai của chính em ruột. Do đó, đối tượng ban đầu chỉ định sát hại người này, nhưng vì không kiểm soát được hành vi nên đã xuống tay giết hại cả những người không có mâu thuẫn trực tiếp.

Phòng ngừa trọng án xuất phát từ mâu thuẫn gia đình ảnh 2Hiện trường nơi xảy ra vụ án mạng tại huyện Hóc Môn, TP.HCM

Nhìn nhận lại những vụ việc có tính chất tương tự, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng bởi tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ trọng án xảy ra tại huyện Hóc Môn, TP. HCM mới đây. Chỉ vì mâu thuẫn trong gia đình, đối tượng gây án đã ra tay sát hại 4 người, trong đó có 3 người ruột thịt và các nạn nhân đều là những người cao tuổi (trong đó có cụ bà đã ngoài 80 tuổi). Vụ việc này gây nên sự phẫn nộ không chỉ của những người thân trong gia đình nạn nhân, hung thủ, mà còn cả của những người hàng xóm thường ngày vẫn tối lửa tắt đèn có nhau. 

Trong khi đó, vụ án ở Thái Nguyên cũng không kém phần đau xót khi Bùi Xuân Hồng (61 tuổi, trú tại phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đang tâm sát hại gia đình em gái là bà Bùi Thị Hà (60 tuổi, trú tại tổ 14, phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên) vì mâu thuẫn trong vay nợ tiền bạc. Đáng buồn là đối tượng gây án đã ngoài 60 tuổi, từng là cán bộ, công chức, thậm chí từng giữ vị trí lãnh đạo của một doanh nghiệp lớn. Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, thì lại xảy ra vụ trọng án Nguyễn Hải Hà (SN 1977) đã sát hại vợ là chị Nguyễn Thu H (SN 1981) tại phường La Khê, quận Hà Đông ngay trong bữa cơm tối của gia đình chỉ vì mâu thuẫn hết sức nhỏ nhặt. 

Phòng ngừa trọng án xuất phát từ mâu thuẫn gia đình ảnh 3Khu vực xảy ra vụ chồng giết vợ ở quận Hà Đông, Hà Nội

Trao đổi với những cán bộ làm nhiệm vụ điều tra vụ án mạng xảy ra tại huyện Đan Phượng chúng tôi đều nhận được câu hỏi ngược: Có phải đạo đức, nhân phẩm bị băng hoại? Phải chăng nhu cầu tiền bạc đòi hỏi quá cao nên hung thủ dám giết cả người thân chỉ vì tiền? Hầu như ai cũng cảm thấy ám ảnh bởi sau khi thực hiện hành vi phạm tội, kẻ thủ ác vẫn tỏ ra dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra, thậm chí không ý thức được hành vi phạm tội của mình vượt quá giới hạn của một con người. “Đối tượng gây án đã đặt quyền lợi lên trên tình cảm gia đình máu mủ ruột rà, làm băng hoại đạo đức, nhân cách con người, tội ác này thật khó tha thứ” - Đại tá Nguyễn Văn Khanh, Trưởng CAH Đan Phượng bày tỏ bức xúc.

Theo chuyên gia tâm lý học Vũ Thị Hương: “Tình máu mủ ruột rà là những điều thiêng liêng nhất đối với con người. Những điều đó còn quan trọng không, bởi nếu chạm đến lợi ích, tiền bạc, các đối tượng sẵn sàng hủy hoại tất cả và coi tình thân như chưa hề tồn tại”.

Các vụ án mạng nêu trên đều đang được cơ quan công an các địa phương thụ lý điều tra, xử lý nghiêm minh đối tượng gây án theo quy định của pháp luật. Dĩ nhiên, sau những phiên tòa, kẻ thủ ác sẽ phải trả giá cho những tội ác mà họ gây ra, nhưng những nỗi đau sẽ còn đọng mãi trong gia đình, họ mạc của hung thủ, đồng thời cũng chính là nạn nhân. Và còn những đứa trẻ là con em, cháu chắt của các gia đình vốn vẫn là họ hàng thân thích này, khi lớn lên chúng sẽ đối mặt ra sao với thực tế là cô, dì, chú, bác, ông, bà… của chúng đã từng giết hại lẫn nhau chỉ vì tranh quyền, đoạt lợi? Có lẽ, trong cái tâm hồn non nớt ấy, những câu chuyện này sẽ là vết thương không bao giờ lành.

Phòng ngừa trọng án xuất phát từ mâu thuẫn gia đình ảnh 4Công an tỉnh Thái Nguyên hỏi cung đối tượng gây án sát hại gia đình em gái

Giải quyết triệt để mọi mâu thuẫn ngay từ trong trứng nước

“Cho dù là những mâu thuẫn rất nhỏ, có thể xuất phát từ tranh chấp đất đai  hay tình cảm, nhưng luôn có thể bùng phát gây phức tạp trong xã hội, có khi dẫn đến các vụ trọng án. Vấn đề hóa giải mâu thuẫn trong các vụ tranh chấp liên quan đến quyền lợi, tình cảm đòi hỏi phải có sự nỗ lực, kiên nhẫn, bình tĩnh, kèm theo nghệ thuật thương thuyết, ngoại giao, đối nhân xử thế... để tránh xảy ra những hậu quả tàn khốc, đau lòng. 

Trong các vụ án mạng xuất phát từ mâu thuẫn xã hội vừa xảy ra, nếu như người trong cuộc biết nín nhịn, chia sẻ, thông cảm, sẽ không có cảnh người thân, anh em sát hại nhau, chồng giết vợ. Tôi muốn nhấn mạnh vai trò tích cực của các tổ hòa giải mâu thuẫn xã hội ở từng cơ sở cần chủ động, nhạy bén phát hiện những mâu thuẫn trong từng gia đình, tổ dân phố, cụm dân cư. Từ đó phối hợp với công an sở tại, cán bộ địa phương, người thân trong họ hàng, gia đình, tác động, hóa giải mọi mâu thuẫn, đảm bảo ANTT trên địa bàn. Tóm lại, muốn không để xảy ra các vụ án mạng có yếu tố mâu thuẫn gia đình thì điều quan trọng là phải kịp thời phát hiện và dập tắt ngay mâu thuẫn, tránh tạo xung đột ngay từ trong trứng nước. Điều đó đòi hỏi nỗ lực của chính từ mỗi cá nhân chúng ta - những người trong cuộc và toàn xã hội”.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an 

Chủ động phát hiện mâu thuẫn trong nội bộ người dân 

“Trước những vụ việc nghiêm trọng xảy ra xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình, người thân, lực lượng chức năng cần tập trung nâng cao hiệu quả xử lý tin báo tố giác về tội phạm; kịp thời bố trí ngăn chặn các vụ việc, biểu hiện có thể dẫn đến hành vi giết người; nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý nghiêm loại tội phạm này, đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện và xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm. 

Các lực lượng công an cơ sở cần chủ động nắm tình hình, phát hiện các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, các hành vi bạo lực xảy ra trong các gia đình. Đây là biện pháp cần được ưu tiên và thực hiện nghiêm túc trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm. Những vụ án mạng đáng tiếc vừa xảy ra cảnh báo cách xử lý, giải quyết những mâu thuẫn, khúc mắc gia đình phải thật khéo léo, chuẩn mực đạo đức. Bạo lực gia đình đã gây tổn hại không chỉ cho người trực tiếp hứng chịu, mà còn tác động tiêu cực đến những người xung quanh và gây ảnh hưởng đến ANTT chung của xã hội. 

Chính vì lẽ đó, các gia đình, các tổ chức, đoàn thể xã hội ở địa phương cũng như mọi người cần nêu cao cảnh giác, phát huy tính phát hiện, dũng cảm, chủ động, phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, đặc biệt là loại tội phạm côn đồ hung hãn gây án đặc biệt nghiêm trọng”.

Thượng tá Nguyễn Bình - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội