Phòng chống cháy, nổ tại các siêu thị, trung tâm thương mại như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hỏa hoạn sẽ trở thành hiểm họa bất cứ khi nào, nếu người dân lơ là, thờ ơ và mất cảnh giác. Sẽ rất nguy hiểm nếu tại những nơi tập trung đông người như trung tâm thương mại, siêu thị, khu vui chơi giải trí trong nhà…, vì lợi ích kinh kế chủ cơ sở bỏ qua việc bảo dưỡng các thiết bị phòng cháy, báo cháy, dễ dẫn đến các vụ cháy, nổ nghiêm trọng.
Lực lượng chữa cháy cơ sở thực tập phương án chữa cháy tại trung tâm thương mại
Lực lượng chữa cháy cơ sở thực tập phương án chữa cháy tại trung tâm thương mại

Ngăn ngừa hỏa hoạn phải từ ý thức và hành động

Làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ cháy và thiệt hại do cháy gây ra? Để trả lời câu hỏi này không khó, bởi các vụ cháy xảy ra phần lớn đều xuất phát từ ý thức chủ quan của con người là nguyên nhân chính.

Hạ tầng cơ sở thiếu đồng bộ, cộng với việc chấp hành quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của chủ nhân quản lý cơ sở, chủ doanh nghiệp sẽ làm “mồi” cho hoả hoạn có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Trung tâm thương mại, siêu thị nhìn bề ngoài hiện đại, kiến trúc mới nhưng tại sao vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy cao.

“Hạ tầng thiếu đồng bộ nói chung cho công trình, trong đó có phải kể đến có nhiều nơi sử dụng mặt bằng công trình không phải xây dựng làm siêu thị, khi chuyển công năng này sẽ bị hạn chế các yếu tố như lối thoát nạn, hệ thống PCCC… Cùng với đó là nhu cầu sử dụng của chủ cơ sở không đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật thiết bị điện, hệ thống điện phục vụ máy móc bảo quản hàng hóa dẫn đến tiền ẩn nguy cơ cháy do chập điện…” - Trung tá Nguyễn Đức Thiêm, Phó trưởng CAQ Long Biên phân tích.

Xuất phát từ nhu cầu kinh tế, nhưng hạ tầng không đảm bảo dẫn đến việc không gian bị tận dụng dùng làm nơi để hàng hóa lấn chiếm mất lối thoát nạn, che lấp tiêu lệnh PCCC, hộp kỹ thuật để bình cứu hỏa…

Với những lỗi chủ quan này, nhiều lần tổ công tác liên ngành kiểm tra, phát hiện xử lý tồn tại, nhưng do quá trình vận hành cộng với sự thiếu ý thức chấp hành của chủ cơ sở, đã làm cho nguy cơ hỏa hoạn luôn rình rập.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm cho hay: “Không phải cứ công trình hiện đại đã được nghiệm thu về PCCC mà không thể xảy ra hỏa hoạn. Cháy, nổ đều xuất phát từ quá trình sử dụng của con người, mang ý thức chủ quan. Chủ nhân của công trình hiện đại đến mấy mà phụ thuộc, ỉ lại vào máy móc như hẹn giờ thiết bị điện bếp từ, quạt thông minh, máy lạnh thông minh… đều có thể dẫn đến cháy, nổ bởi máy móc chỉ mang tính tương đối…”.

Hiện nay, hệ thống thiết bị điện thông minh được sử dụng trong siêu thị và trung tâm thương mại để quản lý như hệ thống máy tính, camera, máy bảo quản hàng hóa đông lạnh… Tuy nhiên, thiết bị hiện đại nếu muốn an toàn thì phải bảo dưỡng đúng định kỳ, thường xuyên kiểm tra để sớm phát hiện sự cố như đường dây bị chuột cắn, dây dẫn chạy tải lâu ngày bị xuống cấp, dây dẫn ngoài trời bị nắng mưa làm mục vỏ bọc, có thể gây chập cháy.

Xảy cháy siêu thị mini tại huyện Phúc Thọ vào ngày 9-1-2022

Xảy cháy siêu thị mini tại huyện Phúc Thọ vào ngày 9-1-2022

Nguy cơ tiềm ẩn còn phải kể đến nhiều trung tâm thương mại, siêu thị có hệ thống ẩm thực, ăn uống luôn sử dụng lửa trần như than củi để nướng đồ ăn. Các nhân viên thiếu kỹ năng, thiếu cẩn thận trong khi sử dụng các bếp than còn lửa đó, sẽ xảy cháy bất cứ lúc nào.

Trách nhiệm phòng cháy không của riêng ai

Trong một buổi tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng an toàn PCCC và thoát nạn do CAQ quận Ba Đình triển khai đối với Trung tâm thương mại Lotte tại phố Liễu Giai, một tuyên truyền viên đã đặt câu hỏi với hàng trăm học viên tham gia buổi tập huấn: “Vào siêu thị hay trung tâm thương mại, việc quan tâm chú ý đầu tiên là gì”? Câu trả lời sẽ là sự an toàn của mọi người phải đặt lên trên hết. Do đó, ý thức về PCCC phải luôn được người dân cảnh giác, sẽ mang lại cuộc sống an toàn nhất.

Phòng cháy không chỉ xuất phát từ việc không để xảy ra cháy, mà phải có ý thức tìm lối thoát cho bản thân và những người xung quanh khi đến chỗ đông người như trung tâm thương mại, siêu thị…

“Mỗi khi đến nơi đông người như siêu thị, trung tâm thương mại, điều đầu tiên người dân cần chú ý đến các tiêu lệnh PCCC hay lối thoát nạn “EXIT” nằm ở vị trí nào gần mình nhất. Bởi trong tình huống không may xảy ra sự cố mất điện, hoặc hỏa hoạn sẽ dẫn đến hỗn loạn với số đông người và muốn thoát ra ngoài an toàn, nhanh nhất cần phải xác định được vị trí thoát nạn”- Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng, Phó trưởng CAQ Ba Đình khuyến cáo.

Thời gian qua, nhiều vụ cháy lớn xảy ra liên tiếp, gây thiệt hại về người, tài sản. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do ý thức chủ quan, lơ là công tác PCCC của người dân.

Rạng sáng ngày 20-8, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Ba Đình nhận được tin báo cháy tại số nhà 26 phố Tân Ấp, phường Phúc Xá, đã nhanh chóng điều động 2 xe chữa cháy và CBCS đến làm nhiệm vụ cứu hỏa.

Tổ tông tác xác định điểm xuất phát cháy tại tầng 1 của ngôi nhà có 3 tầng, sử dụng làm điểm giao dịch của một công ty tại tầng 1, tầng 2, 3 không sử dụng, nhà không có người ở.

Không có người ở, nhưng vẫn xảy ra cháy, điều này không có gì khó hiểu, ngoại trừ yếu tố có dấu hiệu huỷ hoại tài sản. Sự thiếu ý thức của người dân khi ra về quên tắt thiết bị điện trong cơ sở sản xuất, nơi kinh doanh... sẽ là nguyên nhân chính gây ra hỏa hoạn.

Công tác diễn tập thường xuyên là biện pháp giảm thiểu hỏa hoạn xảy ra tại trung tâm thương mại, siêu thị

Công tác diễn tập thường xuyên là biện pháp giảm thiểu hỏa hoạn xảy ra tại trung tâm thương mại, siêu thị

Nhằm giảm thiểu các vụ cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đã thường xuyên tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa, chỉ ra những tồn tại của các cơ sở kinh doanh, cơ quan, nhà dân... và tập trung phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm để chủ cơ sở, người dân chấp hành quy định, thực hiện an toàn về PCCC. Tuy nhiên, ý thức chủ quan, xem nhẹ “bà hỏa” đã dẫn đến các vụ cháy gây ra những hậu quả đáng tiếc vừa qua. Có một thực tế, đa số người dân chưa nắm vững những kiến thức về công tác PCCC, còn chủ các ơ sở thực hiện mang tính chiếu lệ, thậm chí có nơi chống đối. Chính vì thế, đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn tại các cơ sở bị đình chỉ, hoặc bị xử phạt nhiều lần do bấp chất quy định về PCCC và hoạt động chui.

Theo thống kê của Cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, nhiều vụ hoả hoạn xảy ra đều rơi vào ban đêm, hoặc rạng sáng. Phân tích về thời điểm này, chuyên gia Cảnh sát PCCC và CNCH- Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng CAQ Cầu Giấy cho hay: “Cháy xảy ra về đêm luôn gây nguy hiểm đến tính mạng người dân, bởi thời điểm đó họ đều đang ngủ say giấc và khi bị chập điện gây cháy không ai biết và khi tỉnh giấc thì lửa đã cháy to…”.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Long Biên, CATP Hà Nội diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn tại trung tâm thương mại Savico Long Biên

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Long Biên, CATP Hà Nội diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn tại trung tâm thương mại Savico Long Biên

Để đảm bảo an toàn cho người dân, Giám đốc CATP Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH bám sát thực tiễn tình hình, địa bàn tăng cường kiểm tra, phát hiện tồn tại để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Qua đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH công an các quận, huyện, thị xã đã xây dựng nhiều mô hình, duy trì hiệu quả hoạt động phòng ngừa cháy, nổ tại khu dân cư, tổ dân phố. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của cơ cở, trung tâm thương mại qua các buổi diễn tập, tuyên truyền, hướng dẫn PCCC.

“Với các chuyên đề phòng ngừa cháy, nổ tại trung tâm thương mại, siêu thị được cán bộ phụ trách địa bàn thường xuyên hướng dẫn cụ thể cho người dân thực hiện, cũng như sự thay đổi nhân sự, bổ sung kỹ năng phù hợp của lực lượng chữa cháy tại chỗ, sẽ đáp ứng công tác PCCC kịp thời, an toàn”- Trung tá Nguyễn Hùng An, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Ba Đình chia sẻ.