Hỏa hoạn gia tăng tại Hà Nội (2)

Phòng cháy phải đề cao hơn chữa cháy

ANTĐ - Cận Tết là thời điểm các chợ đầu mối cấp I tại Hà Nội hoạt động tấp nập cả ngày lẫn đêm. Lợi nhuận thu về trong những ngày áp Tết khiến người dân, các tiểu thương và cả Ban quản lý chợ “quên” phòng bị cháy nổ. 

Máy bơm chữa cháy tại chợ Long Biên khởi động nhưng không lên nước

Chợ càng “to”, nguy cơ càng nhiều

Nằm trên tuyến đường Hồng Hà, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, chợ Long Biên lâu nay hoạt động như một chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Hà Nội. Với diện tích 28.000m2, khu chợ này thuộc “tốp” những chợ có hạ tầng, cơ sở vật chất rất yếu kém. Đa số các ki ốt được dựng theo kết cấu khung sắt, mái tôn. Chủ ki ốt sau đó tự ngăn, chia bằng “tường sắt” hoặc cửa xếp, không có biện pháp chống cháy lan. Thời điểm cận Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, chợ này hoạt động 24/24h, song ban đêm là thời điểm tấp nập hơn cả, với một lượng lớn phương tiện ô tô, xe máy, người kinh doanh, buôn bán ra vào chợ. 

Đặc thù là chợ đêm nên hệ thống điện ở đây không lúc nào ngừng nghỉ, trong khi đường dây, thiết bị đấu nối tùy tiện. Cùng tham gia đoàn công tác liên ngành kiểm tra đột xuất việc ứng trực, báo động chữa cháy tại chợ Long Biên, chúng tôi ghi nhận hàng hoạt bất cập, nguy cơ cháy nổ ở đây. Với diện tích 28.000m2, chợ được đầu tư, trang bị 2 máy bơm chữa cháy, tuy nhiên tại thời điểm kiểm tra, 1 máy bơm bị bỏng, 1 máy bơm khi khởi động không lên nước. Thiết bị PCCC không đảm bảo trong khi nguy cơ cháy do chập điện, thắp hương thờ cúng, sử dụng lửa trần luôn thường trực, đặt biệt ở khu vực kinh doanh vàng mã. Không có tường ngăn cháy, nếu không may gặp hỏa hoạn, các dãy ki ốt liền kề sẽ cháy liên hoàn. 

Theo Đại úy Dương Tiến Bách - Đội trưởng Đội hướng dẫn kiểm tra an toàn phòng cháy, Phòng Cảnh sát PC&CC Đống Đa: Mật độ phương tiện, người tham gia giao thông trong khu chợ này quá lớn, nếu không may cháy xảy ra, các xe chữa cháy khó tiếp cận hiện trường. Bể nước ngầm trong chợ xe cứu hỏa không thể tiếp cận. Với hiện trạng cơ sở vật chất, phương tiện PCCC như ở đây, nếu không may có cháy, lực lượng cơ sở không biết lấy gì để chữa(?!).

Nhận thức có vấn đề

Ông Hoàng Văn Sơn - Chủ nhiệm HTX dịch vụ tổng hợp Ninh Hiệp (đơn vị quản lý chợ Nành Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm) cho biết, đây là khu chợ cấp I, bán buôn quần áo, vải lớn nhất miền Bắc, với trên 2.000 gian hàng. Theo tiêu chuẩn của chợ cấp I: Chợ Nành Ninh Hiệp phải được lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động; lối thoát nạn trong chợ đảm bảo rộng 0,9m; giao thông quanh chợ đảm bảo cho xe chữa cháy có thể tiếp cận. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế tại khu chợ này, PV ANTĐ cùng đoàn công tác huyện Gia Lâm ghi nhận hàng loạt tồn tại: Chợ chưa lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động; 3 mặt chợ xe chữa cháy không thể tiếp cận; đường giao thông chính, lối thoát nạn trong chợ bị lấn chiếm; nguồn nước chữa cháy không đảm bảo cứu chữa lâu dài; đèn chỉ dẫn thoát nạn không đúng tiêu chuẩn, chưa có biện pháp chống cháy lan giữa các quầy hàng; hệ thống điện đấu nối không đáp ứng tiêu chuẩn...

Trước việc “mắc” quá nhiều lỗi vi phạm, không đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn PCCC, ông Hoàng Văn Sơn - Chủ nhiệm HTX dịch vụ tổng hợp Ninh Hiệp không những không nhận thức được vi phạm, mà còn “mạnh dạn” đề xuất với đoàn kiểm tra liên ngành PCCC huyện Gia Lâm (gồm: Phòng kinh tế, Công ty điện lực, QLTT, CAH Gia Lâm, Phòng Tài chính kế hoạch, Phòng Cảnh sát PC&CC Gia Lâm), được hạ cấp từ chợ cấp I xuống cấp II, hoặc cấp thấp hơn nữa cho phù hợp với điều kiện PC&CC thực tế trong khu vực chợ, vì bản thân chưa đề ra được các biện pháp khắc phục. Thiếu tá Hoàng Hà Trung - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC Gia Lâm khẳng định: Các lỗi vi phạm tại chợ Nành Ninh Hiệp sẽ được tập hợp đầy đủ, báo cáo UBND huyện có biện pháp xử lý theo quy định.

Tình trạng nhận thức “có vấn đề” như của vị đại diện Ban quản lý chợ Nành Ninh Hiệp đang diễn ra khá phổ biến. Xin được nhắc lại một yêu cầu của Thiếu tướng Trần Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH với lực lượng Cảnh sát PC&CC toàn quốc: Cảnh sát PCCC kiểm tra, phát hiện vi phạm nhưng không đôn đốc khắc phục là chưa hoàn thành nhiệm vụ. Kiểm tra, phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm, kiến nghị bằng được người có trách nhiệm sửa chữa, khắc phục. Để xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng thời gian qua tại Hà Nội, rõ ràng một phần do CBCS làm công tác kiểm tra an toàn PCCC thiếu đôn đốc, khắc phục những vi phạm; nhưng trách nhiệm lớn hơn thuộc về người đứng đầu chính quyền các cấp, khi những kiến nghị vi phạm PCCC ở địa bàn mình, được Cảnh sát PC&CC báo cáo chưa được họ quan tâm, chỉ đạo xử lý dứt điểm.