Phòng cháy là đặt sự an toàn của người dân lên trên hết

ANTD.VN - “Nhiệm vụ số một luôn đặt ra đối với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH là sự an toàn của người dân. Để làm tốt nhiệm vụ này, lực lượng Cảnh sát PCCC - CNCH, Công an thành phố (CATP) Hà Nội luôn xác định phải hạn chế tối đa các vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy gây ra” - chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội cho biết.

Theo đánh giá của chỉ huy lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, từ khi Luật phòng cháy chữa cháy có hiệu lực thi hành, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền Thành phố và Ban Giám đốc CATP, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội đã nỗ lực cố gắng thực hiện tốt công tác PCCC, đạt được những kết quả quan trọng; Ý thức phòng cháy của người dân và cơ sở ở nhiều nơi đã đi vào nề nếp, các vụ cháy xảy ra được chữa cháy tích cực, kịp thời, nên giảm thiểu được nhiều thiệt hại về người và tài sản, kiềm chế sự gia tăng số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.

Phòng cháy, chữa cháy là "cuộc chiến" cam go

Thường xuyên diễn tập PCCC, CNCH là biệp pháp củng cố, tăng cường sự linh hoạt trong sẵn sàng chiến đấu với "giặc lửa"

Tuy nhiên, hiện nay tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra. Cháy có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan của con người là chính, vì qua thực tiễn cho thấy việc chấp hành quy định an toàn PCCC của người dân, cơ sở, doanh nghiệp vẫn còn hời hợt.

Thông qua con số gần 20.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có hơn 9.000 cơ sở tiềm ẩn nguy hiểm về cháy nổ; hơn 4.900 cơ sở sản xuất, kho hàng hóa xen lẫn khu dân cư. Trong khi đó, đa số các cơ sở này đường vào khó khăn, nguồn nước phục vụ chữa cháy còn thiếu, không trang bị đầy đủ phương tiện, hệ thống PCCC theo quy định… đã cho thấy nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ còn rất cao.

Cùng với đó, ý thức người dân về PCCC chưa cao, hạ tầng đô thị chưa đồng bộ, đã cho thấy cuộc chiến phòng ngừa, kiềm chế cháy, nổ của lực lượng cứu hỏa còn rất cam go, gian khổ.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 278 vụ cháy; trong đó, có 2 vụ cháy lớn, 5 vụ cháy nghiêm trọng, 3 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 80 vụ cháy trung bình, 187 vụ cháy nhỏ, 1 vụ cháy rừng.

Các vụ cháy nổ làm 14 người chết, 21 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 40,5 tỷ đồng. Ngoài ra, còn 327 vụ chập điện trên cột, 486 sự cố cháy thiệt hại không đáng kể...

Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và đề cao trách nhiệm của toàn dân đối với hoạt động PCCC, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP đã nỗ lực các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ để hạn chế tối đa thiệt hại do cháy gây ra.

Khắc phục khó khăn

Trước tình hình cháy nổ có diễn biến phức tạp, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thực hiện đồng bộ các biện pháp để hạn chế tối đa cháy và thiệt hại do cháy gây ra. Giám đốc nêu rõ: “Để làm tốt công tác phòng chống cháy nổ, cơ quan Cảnh sát PCCC tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các khu vực, cơ sở có nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ. Quy hoạch tổng thể hệ thống PCCC và CNCH.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội diễn tập PCCC, CNCH tại Trung tâm thương mại Aeon mall Long Biên

Mặt khác, đầu tư trang bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng về giao thông, nguồn nước theo quy hoạch. Định kỳ tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và CNCH, làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”. Từ đó tạo nên thế trận toàn dân trong PCCC, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố". 

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH, CATP Hà Nội, công tác bảo đảm an toàn PCCC trên địa bàn luôn được các cấp, ngành thành phố đặc biệt quan tâm.

Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm an toàn PCCC. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn PCCC đối với các tổ chức, cá nhân được tăng cường.

Đến thời điểm này, CATP Hà Nội đang đình chỉ hoạt động 1.150 cơ sở, tạm đình chỉ hoạt động 204 cơ sở, chủ yếu thuộc loại hình cơ sở kinh doanh karaoke và một số hạng mục thuộc công trình nhà cao tầng, cơ sở sản xuất, chợ... vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn PCCC.

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, CATP Hà Nội đã kiểm tra hơn 123.800 lượt cơ sở, lập hơn 123.800 biên bản kiểm tra hướng dẫn về PCCC, kiến nghị cơ sở khắc phục hơn 280.000 trường hợp còn tồn tại, thiếu sót về PCCC, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 10.000 trường hợp với số tiền gần 30 tỷ đồng, ra quyết định đình chỉ 1.520 trường hợp và tạm đình chỉ 1.025 trường hợp vi phạm các quy định về an toàn PCCC.