Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cần sớm công bố mức độ an toàn môi trường biển

ANTĐ - Để người dân, doanh nghiệp yên tâm kinh doanh, sản xuất, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) sớm công bố mức độ an toàn môi trường biển.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cần sớm công bố mức độ an toàn môi trường biển ảnh 1

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu sớm công bố mức độ an toàn môi trường biển

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm Bộ Tài nguyên và Môi trường (ngày 18-7), Bộ Trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, hiện có nhiều bất cập trong luật pháp về bảo vệ môi trường. “Luật quy định cần đánh giá tác động môi trường ngay từ khi mới có ý tưởng, đề xuất dự án để làm căn cứ xét duyệt đầu tư, cấp giấy phép đầu tư. Thực tế như vậy không khả thi”, ông Hà đánh giá.

Nêu ví dụ cụ thể, người đứng đầu Bộ TN-MT chỉ ra rằng: “Như vụ Formosa vừa qua, báo cáo đánh giá tác động môi trường mang tính chất chung chung. Đánh giá tác động môi trường hiện nay như hình thức để các doanh nghiệp qua mắt được để đầu tư”.

Do đó, Bộ Trưởng Trần Hồng Hà đề nghị nên xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn xem xét cấp giấy phép xây dựng. Vì lúc đó mới có thiết kế cơ sở, mới có căn cứ để đánh giá tác động môi trường.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm cũng rất quan trọng cần có đổi mới bởi nếu làm theo cách cũ thì không triển khai được với những dự án như nhà máy giấy Lee & Man, Formosa.

Báo cáo thêm tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài đánh giá hiện tượng hải sản chết hàng loạt ở miền Trung là sự cố lớn, lần đầu xảy ra ở Việt Nam.

“Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là triển khai kịp thời các công cụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, xử lý triệt để các công trình gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời phải triển khai rà soát các nguồn thải lớn ra sông ra biển, để có tham mưu thanh tra diện rộng trong thời gian tới” - ông Tài cho biết.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung triển khai các vấn đề hậu Formosa, cũng như sử dụng công cụ quản lý nhà nước trong rà soát, đánh giá thanh tra diện rộng nguồn thải lớn để nắm bắt và kiểm soát chặt các đối tượng, tránh xảy ra trường hợp tương tự Formosa.

Bên cạnh đó, theo ông Tài, Việt Nam cần xây dựng quy chế về ứng phó sự cố môi trường, trong đó nêu rõ huy động nguồn lực thế nào, cách thức ra sao để ứng phó kịp thời và tránh sự cố lan rộng.

Đánh giá cao kết quả đạt được trong các lĩnh vực của Bộ TN-MT, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương toàn ngành trong việc tìm ra thủ phạm gây sự cố môi trường biển miền Trung.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng thẳng thắn cho rằng tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Trong khi việc quan tâm xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường chưa được quan tâm đúng mức khiến người dân bức xúc.

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ TN-MT khắc phục sự chồng chéo, lấp đầy chỗ trống về pháp luật. Bộ TN-MT phải thực hiện ngay việc kiểm soát từ khâu đánh giá tác động môi trường của dự án.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chỉ cấp phép hoạt động đối với cơ sở có chất thải được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Xử lý nghiêm mọi vi phạm, không loại trừ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Nếu cần chuyển qua cơ quan điều tra xem xét, xử lý hình sự”.

Riêng vụ việc Formosa, bên cạnh việc tiếp tục giám sát thực thi các giải pháp, biện pháp kiểm soát chặt chẽ, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT sớm đánh giá chính xác môi trường biển 4 tỉnh miền Trung.

“Cần công bố an toàn môi trường biển cho người dân, doanh nghiệp biết để người dân, doanh nghiệp yên tâm. Việc công bố này phải họp báo, mời các nhà khoa học đến để công bố trên căn cứ khoa học”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Vụ chôn lấp chất thải của Formosa tại Hà Tĩnh:

Chưa có kết luận cuối cùng

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, liên quan tới vụ việc chôn lấp chất thải của Formosa tại Hà Tĩnh, Tổng cục Môi trường đã lấy mẫu và giao cho một số phòng thí nghiệm nhưng đến giờ chưa đưa ra kết quả cuối cùng. Việc đưa ra kết quả phân tích mẫu phải có đối chứng.

"Có nhiều loại đất đai khác nhau nên số mẫu phải lấy nhiều hơn, trong khu vực này không có nguy hại thì phải lấy mẫu làm sao để có tính đại diện, trên quan điểm là phải làm kỹ lưỡng", Bộ trưởng Bộ TN-MT cho hay.