Phố cổ vẫn chờ chỉnh trang, cải tạo

ANTĐ - Chiều  5-11, Quận ủy, HĐND, UBND quận Hoàn Kiếm Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội và triển khai kế hoạch thực hiện quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ Hà Nội. 

Phố cổ vẫn chờ chỉnh trang, cải tạo ảnh 1Phố Tạ Hiện và phố Lãn Ông là hai con phố đầu tiên được chỉnh trang ở khu phố cổ

Trùng tu kết hợp với giãn dân phố cổ

Theo ông Phạm Tuấn Long, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở VH-TT&DL (nay là Sở VH-TT) thực hiện có hiệu quả quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội được thành phố phê duyệt từ năm 2013. Trong đó, năm 2015, quận Hoàn Kiếm đã triển khai các đồ án thiết kế đô thị riêng với những tuyến phố trọng điểm như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân…; các tuyến phố trong khu vực bảo tồn cấp 1 và khu trung tâm thương mại, dịch vụ chất lượng cao Đồng Xuân - Bắc Qua.

Trong năm 2014, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 71 công trình được cấp phép xây dựng, trong đó có 2 công trình là nhà ở có giá trị đặc biệt. Trong 10 tháng đầu năm 2015, con số này là 55 công trình, trong đó có 1 công trình là nhà ở có giá trị đặc biệt. Theo đánh giá, chất lượng các hồ sơ đã được nâng lên, việc cấp phép đã sát hơn với thực tế. Liên quan đến việc trùng tu các di tích lịch sử văn hóa, quận đã thực hiện 7 dự án trùng tu lớn đó là đình Đông Thành (số 7 Hàng Vải), quán chùa Huyền Thiên (54 Hàng Khoai), chùa Vĩnh Trù (59 Hàng Lược), hội quán Phúc Kiến (70 Lãn Ông), đình Tú Thị (22 Yên Thái)…

Song song với việc trùng tu,  một trong những nhiệm vụ quan trọng của quận Hoàn Kiếm cùng các sở, ngành liên quan thực hiện trong 2 năm vừa qua đó là tiếp tục triển khai đề án giãn dân phố cổ. Trong đó, mục tiêu cao nhất là giảm mật độ dân số, cải thiện điều kiện chất lượng cuộc sống của người dân trong khu phố cổ. Theo đề án đã được UBND thành phố phê duyệt từ năm 2011,  mục tiêu là giảm mật độ dân số trong khu vực nội đô lịch sử từ 1,2 triệu người xuống 0,8 triệu người.

Mặc dù, quận Hoàn Kiếm chưa tiết lộ con số cụ thể, nhưng theo ông Phạm Tuấn Long, danh sách thống kê những đối tượng trong diện giải phóng mặt bằng bắt buộc như các hộ dân sống trong các nhà chung cư nguy hiểm, các công trình nhà ở có giá trị cần bảo tồn, tôn tạo... đã được hoàn thành. Được biết, các đối tượng nằm trong diện đó sẽ được bố trí định cư tại Khu nhà ở giãn dân tại khu đô thị Việt Hưng. Công trình được khởi công từ ngày 27-3-2015 và sắp tới sẽ triển khai đấu giá khu đất nhà ở hỗn hợp. 

Bảo tồn “di sản sống”

Cũng tại hội nghị, quận Hoàn Kiếm đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong 2 năm thực hiện quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội. Trong đó, việc tuyên truyền, quảng bá và nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản còn hạn chế. Công tác quản lý các di sản văn hóa chưa có chiều sâu, chưa gắn kết với cộng đồng.

Hoạt động thương mại, du lịch dịch vụ nhìn chung chưa tương xứng. Trong thời gian qua, một số tuyến phố như phố Tạ Hiện hay phố Lãn Ông được chỉnh trang đã  nhận được phản ứng tốt của cộng đồng nhưng nhìn chung,  việc triển khai chỉnh trang, cải tạo các tuyến phố còn chậm và so với khoảng 50 tuyến phố đang chờ được “làm đẹp” thì con số trên mới chỉ là một phần nhỏ. Bên cạnh đó, các dự án bảo tồn, giải phóng mặt bằng và trùng tu di tích trên địa bàn quận vẫn chỉ trông chờ vào ngân sách quận, còn kêu gọi đầu tư xã hội hóa là hết sức khó khăn. 

Theo ông Trần Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH-TT&DL, với vị trí hết sức đặc biệt của mình, phố cổ phải được quy hoạch như bảo tồn một “đô thị sống”. Nếu chỉ coi quy hoạch là vấn đề của các công trình kiến trúc, các di tích… thì chưa thực sự thỏa đáng, mà cần phải kết nối với các giá trị phi vật thể. Ông Trần Thành cho biết, quận Hoàn Kiếm nên triển khai xếp hạng, thống kê, đồng thời có phương án thúc đẩy hoạt động những di sản phi vật thể như phố đi bộ, lễ hội Trăng rằm… để thu hút khách du lịch. 

Công trình trong khu phố cũ không được xây quá 8 tầng

Cũng trong hội nghị chiều  5-11, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cũng phổ biến một số nội dung chi tiết trong việc triển khai thực hiện Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội theo Quyết định số 24/QĐ-UBND ngày 13-8-2015 của UBND TP Hà Nội.

Theo đó, khu phố cũ (hay còn gọi là khu phố Pháp) có diện tích xấp xỉ 507ha, gồm 215 ô phố và 150 tuyến phố nằm trên 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ và Hai Bà Trưng. Theo quy chế, các công trình sẽ chỉ được xây dựng trung bình 4-6 tầng trên diện tích 16-22m, với mật độ xây dựng không quá 70%. Tuy nhiên, lô đất lớn có thể xem xét được xây 8 tầng.