Phiếu tín nhiệm của dân

ANTĐ - Tuần tới, trong kỳ họp HĐND, Hà Nội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với 18 chức danh do HĐND bầu và phê chuẩn gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, trưởng các ban HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và các thành viên UBND thành phố. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ được công bố công khai để cử tri và nhân dân biết. Nếu chức danh nào đó có số phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% tổng số đại biểu HĐND TP thì sau 2 năm liên tục tín nhiệm thấp, sẽ phải chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm.

Mặc dù xung quanh việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn còn những ý kiến khác nhau, nhưng dư luận xã hội đã ghi nhận đây là bước tiến bộ, dân chủ trong công tác đánh giá lãnh đạo. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội vừa qua đã phản ánh đúng thực tế đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Nói đây là dân chủ, tiến bộ bởi kết quả bỏ phiếu được công khai, minh bạch; tiêu chí để bỏ phiếu là năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao và phẩm chất đạo đức, lối sống của cá nhân cán bộ.

Nói đây là dân chủ vì việc bỏ phiếu kín khắc phục tâm lý người tham gia đánh giá không ngại bị va chạm, mất lòng, tránh được tình trạng nể nang, xuôi chiều, không sợ bị trù úm, định kiến nên kết quả đánh giá sẽ khách quan, thực chất hơn. Mặt khác, việc bỏ phiếu kín sẽ rất khó cho ai đó có tư tưởng "mua phiếu” cho mình và hiển nhiên ai làm tốt sẽ được đánh giá cao, ai kém sẽ bị đánh giá thấp. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm buộc mỗi vị lãnh đạo tự đánh giá lại mình một cách nghiêm túc.

Để việc bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu tiên tại kỳ họp HĐND TP khai mạc vào ngày mai (1-7-2013) bảo đảm thực chất, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công tác chuẩn bị đang được triển khai nghiêm túc, đúng luật và chu đáo. 

Hiện, các chức danh thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm đã có báo cáo tự kiểm điểm gửi các đại biểu HĐND thành phố. Thông tin từ đầu nhiệm kỳ tới giờ, người được lấy phiếu tín nhiệm đã làm được những việc gì, kết quả công việc cụ thể như thế nào trong lĩnh vực mà mình được phân công phụ trách đã được gửi đầy đủ tới các đại biểu để nghiên cứu, đánh giá. Với lượng thông tin rõ ràng về hoạt động của từng chức danh đưa ra lấy phiếu tín nhiệm, với trách nhiệm của mình và sự gửi gắm từ cử tri, các vị đại biểu HĐND thành phố sẽ có đánh giá công tâm, khách quan. 

Đây cũng là căn cứ để việc bổ nhiệm cán bộ bảo đảm công tâm, khách quan. Trước kia hết nhiệm kỳ mới quy hoạch, rồi làm công tác giới thiệu nhân sự, bầu cử để thay thế, hay cán bộ hết tuổi thì nghỉ hưu..., nhưng bây giờ như Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, việc xem xét, đánh giá sẽ thường xuyên từng năm một. Nếu hai năm tín nhiệm thấp là thay, một năm tín nhiệm thấp cũng thay, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi.

Có thể nói, việc lấy phiếu tín nhiệm ở Hà Nội đã và sẽ củng cố niềm tin của nhân dân, tạo bầu không khí dân chủ trong xã hội và tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động và xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức Thủ đô mẫu mực trong một bộ máy vững mạnh, trong sạch của dân, do dân và vì dân.