Phiên chất vấn của Quốc hội: Phải rõ hơn về trách nhiệm

(ANTĐ) - Ngày chất vấn đầu tiên (30-5), Hội trường Ba Đình đã “nóng” lên với rất nhiều câu hỏi chất vấn Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Phiên chất vấn của Quốc hội: Phải rõ hơn về trách nhiệm

(ANTĐ) - Ngày chất vấn đầu tiên (30-5), Hội trường Ba Đình đã “nóng” lên với rất nhiều câu hỏi chất vấn Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tăng trưởng khoảng 7%, lạm phát thấp nhất 22%

Vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng của Chính phủ được rất nhiều đại biểu quan tâm, cả trước và trong phiên chất vấn sáng 30-5. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, căn cứ để điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuống 7% là tình hình kinh tế thế giới, tình hình kinh tế Việt Nam từ cuối năm 2007 tới nay. Trong đó, Việt Nam liên tiếp phải đối mặt với những khó khăn khách quan như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu... Trong năm 2008, dự báo nông nghiệp có thể tăng trưởng được ở mức 3%, công nghiệp tăng trưởng ở mức khoảng 8%, dịch vụ cũng 8%.

Nóng bỏng vấn đề tài chính tiền tệ, lạm phát tại phiên chất vấn
Nóng bỏng vấn đề tài chính tiền tệ, lạm phát tại phiên chất vấn

Trước câu hỏi thẳng thắn của đại biểu Phạm Thị Loan, Đoàn Hà Nội, nếu mục tiêu 7% cũng không đạt được thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm gì, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc lại “đi vòng”: “Theo tính toán của chúng tôi tùy theo mức độ thắt chặt tiền tệ, tùy theo tình hình lạm phát, tăng trưởng của ta sẽ dao động vào khoảng từ trên 6,5 cho đến dưới 7,5% . Cho nên chúng tôi đề nghị trong Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ gửi Quốc hội là khoảng 7%, tức là có thể dao động”.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu là chống lạm phát, sau đó tăng trưởng huy động ở mức tối đa, chứ không phải là tăng trưởng như thế rồi lạm phát mới tính. “Khả năng từ nay đến cuối năm, chúng tôi tính rằng tùy thuộc vào sự quyết tâm của chúng ta thực hiện 8 nhóm giải pháp. Nếu chúng ta thực hiện đầy đủ, chặt chẽ các giải pháp mà Chính phủ đưa ra thì lạm phát sẽ thấp nhất là 22%”.

Sử dụng vốn của tập đoàn: Thủ tướng cũng không can thiệp?

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, kỳ họp trước có 1.008 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội. Kỳ họp này có tới 1.551 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tính đến ngày 29-5, đã có 297 chất vấn của 132 đại biểu Quốc hội tại 52 đoàn gửi đến cho Chủ tịch Quốc hội và Đoàn Thư ký chất vấn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị Bộ trưởng chuyên ngành, đây là con số kỷ lục từ trước tới nay.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đặt câu hỏi với Bộ trưởng KH&ĐT về trách nhiệm của cơ quan này trong việc các tập đoàn đầu tư vào những lĩnh vực không thuộc nhiệm vụ của mình, có nguy cơ lãng phí, thất thoát lớn?

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thừa nhận, nếu tập đoàn  đầu tư ra nhiều lĩnh vực không đúng ngành nghề của mình, sẽ gây các hậu quả có những ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô chung. “Anh là nhà đầu tư, anh kinh doanh ngân hàng thì là chết rồi, bởi vì sao? Trong cơ chế thị trường, ngân hàng được coi như một bộ lọc cho các hoạt động đầu tư hiệu quả hay không? Nếu chúng ta cho DNNN lập ngân hàng thì coi như người ta tự lấy tiền của mình tức là của dân bỏ ra đầu tư, không ai kiểm soát cả và cái đấy là cái cần phải rút kinh nghiệm, phải xem xét kỹ” - Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói.

Nhưng Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, HĐQT của các doanh nghiệp là quyết định đầu tư, Thủ tướng Chính phủ cũng không can thiệp. Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu về cơ chế quản lý nào để khắc phục.

Câu trả lời của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc chưa thuyết phục ĐB Thuyết. “Năm trước, tôi chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh về Đề án 112, ông Ninh cũng nói khi bên A, bên B thống nhất với nhau thì Bộ không kiểm soát. Nay Bộ trưởng KH&ĐT cũng nói HĐQT tự quyết định chứ Chính phủ cũng không can thiệp được thì tôi rất lo lắng, việc tiêu tiền Nhà nước như thế sẽ đi đến đâu?”. 

Cũng liên quan đến chuyện đầu tư của các tập đoàn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản của các tập đoàn vẫn chưa đến mức nguy hiểm. “Tuy nhiên, Chính phủ nhận thức không khuyến khích các tập đoàn, các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ra bên ngoài ngoài lĩnh vực của mình, đặc biệt là những lĩnh vực có thể có rủi ro” - Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói.

Vẫn chưa rõ trách nhiệm

Tuy nhiên, nhiều ĐB bày tỏ, các Bộ trưởng vẫn chưa thực sự nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình. Giải trình này khiến nhiều đại biểu không hài lòng. ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nhận xét, về lạm phát, cách trả lời của Bộ trưởng thỏa đáng, bởi vì gốc lạm phát, nguyên nhân sâu xa là cơ cấu đầu tư từ Bộ KH-ĐT mà ra còn những sai sót, không đúng về chính sách tiền tệ chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi. Nếu không xử lý theo nguyên nhân sâu xa thì không thể xử lý được.

Với lý giải của Bộ KH&ĐT rằng đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm khi đưa ra những dự báo về tăng trưởng, lạm phát, cảnh báo về lĩnh vực tài chính, tiền tệ..., ĐB Vũ Hoàng Hà (Bình Định) bức xúc: “Bộ trưởng nói như vậy có thể khiến ĐB hiểu nhầm là Bộ đã dự báo tương đối chính xác mà các Bộ khác không nghe. Tôi chưa thấy trách nhiệm của Bộ KH&ĐT, đổ lỗi cho các thành viên Chính phủ khác là không được. Lẽ ra với trách nhiệm của cơ quan tham mưu, Bộ trưởng phải thuyết phục Chính phủ”.

Tăng trưởng quá nóng dẫn đến lạm phát?

Đại biểu Hà Sơn Nhin (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc Bộ Tài chính tham mưu cho phép các hệ thống ngân hàng thương mại vay lại vốn ngân sách tại Kho bạc để kinh doanh với nguồn vốn khá lớn. Như vậy có đúng nguyên tắc quản lý tài chính tiền tệ hay không? Có phải cách đầu tư vốn cho các ngân hàng như vậy, nên các các ngân hàng tăng trưởng quá nóng và liên quan gì đến việc lạm phát tăng cao?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh bác bỏ thông tin này khi khẳng định, không có chuyện Bộ Tài chính tham mưu để Kho bạc cho ngân hàng thương mại vay vốn.

Cũng trong buổi chiều 30-5, các ĐBQH đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu. Một số ý kiến của đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng đánh giá về hiệu quả của việc điều hành chính sách tiền tệ và chính sách ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước đối với việc kiểm soát lạm phát trong thời gian qua.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết mục tiêu kiểm soát tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng năm 2008 không quá 30%. Đến giờ này, mục tiêu tăng tổng phương tiện thanh toán mới chỉ 3,7% như báo cáo. Về vấn đề ngoại hối, đây là một bài toán khó, nếu điều hành theo chủ trương của Chính phủ như hiện nay, điều hành linh hoạt nhưng có kiểm soát. Hiện nay Chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước điều hành trong biên độ là cộng trừ hai. Theo đánh giá chung của Chính phủ cũng như các ngành, rất ủng hộ cách điều hành tỷ giá này.

Xuân Thu-Hồng Tuấn